Tuy nhiên, việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng sự hiện diện tại Việt Nam theo hướng mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới, bên cạnh những mặt tích cực, cũng có nhiều vấn đề bất cập như gia tăng ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, chuyển giá, tạo sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt...

Riêng với việc mua lại cổ phần hoặc tăng tỷ lệ góp vốn thì nguy cơ DN nội bị thâu tóm rất rõ ràng. Trường hợp rõ nét nhất là TCG Solutions Pte.Ltd (Công ty con thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan) thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu (tương đương 94,11% cổ phần) của Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (mã chứng khoán SVI). Trước đó, vào tháng 7, công ty này đã mở đường để Tập đoàn SCG Thái Lan nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lên 100%.

Khi nhắc đến Tập đoàn SCG Thái Lan, còn phải kể đến hàng loạt phi vụ mua bán và sáp nhập mà tập đoàn này đã thực hiện với những thương hiệu DN Việt lớn khác. Cụ thể, họ đã mua và nắm quyền điều hành một số DN sản xuất bao bì, nhựa lớn của Việt Nam là Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành.

Ở lĩnh vực bán lẻ, thị trường cũng chứng kiến hàng loạt thương hiệu nội hàng đầu về tay các nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như Tập đoàn Central Retail của Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Big C. Hay như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Aeon Mall (Nhật Bản) nhanh chóng gom vào hệ thống của mình những chuỗi hệ thống phân phối Citimart, Diamond Plaza… vốn có độ phủ rộng khắp Việt Nam.

Trong khi đó, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 100.000 DN trong nước rời bỏ thị trường hoặc chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư ngoại. Thông tin từ các hiệp hội DN cũng cho biết, hiện có rất nhiều DN đã “chết lâm sàng” hoặc sản xuất cầm chừng. Nguy cơ họ phải rời bỏ thị trường hoặc bán lại DN là khó tránh khỏi.

Thu hút đầu tư nước ngoài là chủ trương lớn, đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, nhưng song hành với nó là các quyết sách bảo vệ DN trong nước. Mặc dù các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ vừa qua được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng DN, tuy nhiên, theo phản ánh của rất nhiều DN thì quá trình triển khai, thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập.

Bên cạnh việc khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của Chính phủ, cần tính lại giới hạn tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực hoạt động sản xuất và hạn chế đến mức tối đa nhà đầu tư nước ngoài tập trung thâu tóm những DN trọng yếu, có nguy cơ chi phối, thao túng thị trường, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo SGGP
Nguồn
Link bài gốc

https://www.sggp.org.vn/cap-thiet-ho-tro-doanh-nghiep-viet-703780.html