|
|
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, một số ngân hàng “kín tiếng” khi không công bố thuyết minh BCTC, không có thông tin cụ thể về nợ xấu |
Nợ xấu của VietABank và Saigonbank vẫn là một ẩn số
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với kết quả kinh doanh kém sáng. Hoạt động chính đem về khoản thu nhập lãi thuần tăng 66%, ghi nhận hơn 558 tỷ đồng, đóng góp gần 86% tổng thu nhập hoạt động. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng vọt 153%, lên 495 tỷ đồng.
Trong quý 3/2020, Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tăng đến 278% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 476 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 của VietABank giảm đến 74% so với cùng kỳ, chỉ còn 18,4 tỷ đồng và 18,3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3 lần cùng kỳ (685 tỷ đồng), kết quả làm lợi nhuận trước và sau thuế chỉ tăng 10%, ghi nhận hơn 167 tỷ đồng và gần 151 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, lãi dự thu (khoản lãi và phí phải thu) tại VietABank tăng vọt 48%, lên mức 4.596 tỷ đồng.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại VietABank. |
Tuy nhiên, nợ xấu của VietABank đến nay vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư. Bởi từ năm 2018 đến nay nhà băng này không công khai phần thuyết minh của báo cáo tài chính.
Số lãi dự thu và chi phí dự phòng rủi ro tăng cao tại VietABank không chỉ tạo nghi ngờ về con số nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng, mà đặt ra nghi vấn về độ minh bạch của các số liệu trong báo cáo?
Hơn nữa, trong 5 năm trở lại đây, khả năng sinh lời của VietAbank không có sự thay đổi rõ rệt, vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.
Tính đến nay, Ngân hàng này cũng chưa hề có động thái nào về việc sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán khi thời hạn hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức đang đến gần.
Tương tự như VietABank, ngân hàng Saigonbank cũng đã nhiều năm nay “giấu” nợ xấu.
Cụ thể, Saigonbank vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với kết quả kinh doanh kém khả quan. Trong quý 3, Ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng tăng đến 94% so với cùng kỳ, lên mức gần 21 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước và sau thuế giảm 61% và 64%, chỉ còn gần 52 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Saigonbank cũng giảm lần lượt 20% và 26% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 177 tỷ đồng và gần 146 tỷ đồng.
Lãi dự thu tại Saigonbank trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng tăng 35% so với đầu năm, lên mức hơn 279 tỷ đồng.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại Saigonbank. |
Ngày 15/10/2020, Saigonbank chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 25.800 đồng/cp. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào lên sàn cũng tăng giá, ngay chính ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu SGB đã “nằm sàn” với giá chốt phiên 15.500 đồng/cp.
Tiếp tục đến SCB “ém nhẹm” nợ xấu
9 tháng đầu năm 2020, SCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 113 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, SCB đã trích lập 1.963 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỷ đồng. Phía SCB cho biết đây là đệm dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ổn định trong thời gian tới.
SCB cho biết, tính đến 30/09/2020, quy mô tài sản của SCB đạt 612.698 tỷ đồng, duy trì vị thế Top 5 trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam và là ngân hàng TMCP tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh.
Đến hết quý 3/2020, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 553.832 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 351.990 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. Song song với công tác kiểm soát tăng trưởng tín dụng, SCB đảm bảo tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn chỉ ở mức 1,23% và 0,74%.
Dù SCB có ghi nhận con số nợ xấu nhưng do việc “ém nhẹm” thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ thực trạng nợ xấu của SCB cụ thể như thế nào?
Điểm đáng lưu ý, khoản lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tại SCB trong 9 tháng đầu năm 2020 lên tới 76.895 tỷ đồng, tương đương tăng tới 45% so với đầu năm, cao nhất hệ thống ngân hàng.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại SCB. |
Tuy quy mô tổng tài sản tại SCB đứng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng nhưng lợi nhuận mang về lại bèo bọt và thường xuyên “giấu” thuyết minh báo cáo tài chính.
Theo tìm hiểu, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Bởi một khi chuyển thành nợ xấu, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm.
Nếu vi phạm nguyên tắc này, nghĩa là thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn và nợ xấu đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro để hạn chế rủi ro về khả năng thu hồi lãi, thì ngân hàng lại hạch toán những khoản lãi từ nợ khó đòi này thành lãi dự thu để tính vào lợi nhuận. Do vậy, lợi nhuận có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh, kéo theo nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo.
Lãi dự thu cũng là một “khối u” nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần. Ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.