Thời gian gần đây, người tiêu dùng dần trở nên ưa chuộng việc mua bán trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… Mặc dù mới trở nên phổ biến vài năm trở lại đây, nhưng những sàn thương mại điện tử này đã cho thấy không ít ưu điểm và dần trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày khi khách hàng có thể mua bán thuận tiện, hàng hóa đa dạng…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó thì cũng xuất hiện không ít những nhược điểm. Nhiều khách hàng đã chia sẻ không ít chuyện dở khóc dở cười mà bản thân gặp phải khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử này.

Đặc biệt, vấn nạn hàng công nghệ kém chất lượng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử vẫn luôn là nỗi lo của nhiều khách hàng, trong đó phổ biến nhất là các phụ kiện của Apple.
leftcenterrightdel
 

Có thể thấy, giá trị sản phẩm của Apple không rẻ và hàng niêm yết tại những đại lý ủy quyền chính hãng có giá cao khiến người tiêu dùng phổ thông khó tiếp cận. Họ thường tìm tới những địa chỉ kinh doanh online để tìm mức giá hợp túi tiền hơn, vô tình rơi vào “ma trận” phụ kiện cộp mác Apple nhưng được bán với giá chỉ chưa tới một nửa so với cửa hàng, thậm chí có những món chỉ bằng…1/10 giá niêm yết.

Trên một số sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam hiện nay, khi tìm kiếm các từ khóa liên quan tới sản phẩm Apple như sạc nhanh cho iPhone, sạc PD, sạc magsafe, tai nghe Airpods… sẽ có hàng trăm kết quả với mức giá rẻ bất ngờ. Ví dụ, củ sạc nhanh PD 18W - 20W chính hãng Apple dành cho iPhone có giá tại đại lý ủy quyền khoảng 500.000 đồng, cáp USB-C to Lightning hỗ trợ PD cũng trên 400.000 đồng thì trên sàn thương mại điện tử, cả combo này đang được bán với giá 140.000 đồng tới hơn 200.000 đồng tùy nơi bán. Tất cả đều khẳng định hàng “chính hãng”, có bao bì đóng gói, thiết kế giống hệt với sản phẩm đang bán tại đại lý ủy quyền.

Không chỉ vậy, hiện nay còn tồn tại một số mẫu máy điện thoại cố tình nhái theo kiểu dáng hoặc tên gọi của những sản phẩm cao cấp trên thị trường, sau đó bán với giá rất rẻ để hút khách.

Ví dụ, trên sàn Lazada, mẫu máy i12 Pro được bán với giá hơn 995 ngàn đồng, được quảng cáo có RAM 12GB nhưng phần miêu tả lại ghi RAM 6GB. Chiếc điện thoại có thiết kế cóp nhặt từ những smartphone cao cấp hiện nay và không có thương hiệu cụ thể. Một số bình luận đầu tiên đánh giá sản phẩm tốt, nhưng các đánh giá về sau ít thiện cảm hơn như máy bị cho là vào mạng chậm, pin hết rất nhanh, không xem được YouTube. Người dùng khác cho biết phần cảm ứng của máy hoạt động không chính xác. Về tổng thể, điện thoại nhận được 3.5/5 sao.

Điểm dễ nhận thấy nhất của những sản phẩm này là làm giống theo kiểu dáng điện thoại đắt tiền, cố tình đưa thông số kỹ thuật hấp dẫn với giá bán rẻ hơn cả chục lần. Nhiều người ham rẻ đã mua phải sản phẩm kém chất lượng, không hoạt động bình thường.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các trang thông tin điện tử kinh doanh, giới thiệu sản phẩm vi phạm thường có tên miền quốc tế, không xác định được chủ thể đăng ký tên miền gây khó khăn trong công tác phát hiện xử lý vi phạm.

Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp, trang cá nhân trên mạng xã hội không chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, quảng cáo hàng hóa sản phẩm, bán hàng không đảm bảo chất lượng diễn ra phố biến.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục QLTT cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao sự hiểu biết của mình về nội dung của những sản phẩm mình đang có nhu cầu mua, nhu cầu sử dụng giá, công dụng, tính năng, lợi ích,… nhất là đối với những sản phẩm, hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.

Về phía các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc phòng tránh tiêu dùng phải hàng giả.
Hương Mi
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/san-pham-cong-nghe-kem-chat-luong-tran-lan-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-d133509.html