Theo VTC News, một số lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho hay, từ sau ngày 11/4, giá dầu thô tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là quay đầu giảm nhẹ. Tới tối ngày 19/4, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore là 99,6 USD/thùng xăng RON 95 và 95 USD/thùng với xăng RON 92.

Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 12/4 cho thấy, giá xăng RON 95 giao dịch ở mức 103,61 USD/thùng, xăng RON 92 giao dịch mức 100,39 USD/thùng, dầu diesel giao dịch mức 98,49 USD/thùng. Giá các mặt hàng đều có xu hướng giảm nhẹ.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, trong kỳ điều hành ngày 21/4, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng giảm nhẹ theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, giá xăng có thể giảm từ 350 - 450 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 400 - 600 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành là liên Bộ Công Thương - Tài chính.
leftcenterrightdel
 Giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/4 được dự báo giảm nhẹ. Ảnh minh họa: VTC News

Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước hôm nay sẽ quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp. Được biết, trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp đà giảm từ 3 phiên liền trước, giá dầu thô Brent về mốc 81 USD/thùng, còn giá dầu WTI xuống ngưỡng 77 USD/thùng, theo thông tin trên VietNamNet.

Giới chuyên gia nhận định, giá dầu giảm mạnh do những đồn đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 tới nhằm kiềm chế lạm phát.

Các nhà đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất của Mỹ có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và hạn chế nhu cầu năng lượng tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng tỏ ra cảnh giác với lạm phát và cho biết lãi suất cần tiếp tục tăng.

Sự lao dốc của giá dầu còn chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD. Một báo cáo của Fed công bố hôm 19/4 cho thấy, hoạt động kinh tế của Mỹ ít thay đổi trong những tuần gần đây, với tăng trưởng việc làm giảm nhẹ và tốc độ tăng giá chậm lại. Thông tin trên làm gia tăng những lo ngại rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu phần nào bị hạn chế bởi dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm. Được biết, mức tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc đạt 4,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất của nước này kể từ quý I/2022.

Số liệu nói trên là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn nhu cầu về dầu trong năm nay.

Trong khi đó, sản lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh. Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.

Đinh Kim (t/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-xang-dau-du-bao-giam-nhe-trong-ky-dieu-hanh-hom-nay-21-4-a573011.html