Theo báo Dân trí, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC với mục đích đầu tư dài hạn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 20/6 - 19/7.
leftcenterrightdel
 Ông Lê Văn Nam được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/6.

Ông Nam hiện sở hữu 30.010 cổ phiếu HBC. Tỷ lệ sở hữu của ông Nam sẽ tăng lên 0,74% nếu giao dịch thành công. Chốt phiên ngày 15/6, cổ phiếu HBC có mức giá 9.130 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá trên, ông Lê Văn Nam sẽ phải chi ra khoảng 18,2 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch mua số cổ phiếu đã đăng ký.

Được biết, ông Lê Văn Nam được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Hòa Bình Corp từ ngày 1/6. Vị trí này được để trống sau khi ông Lê Viết Hiếu, con trai của Chủ tịch Lê Viết Hải thôi giữ chức từ tháng 7/2022 để đảm bảo tính pháp lý. Ông Lê Văn Nam đồng thời cũng được cử làm người đại diện phần vốn góp của HBC tại đơn vị thành viên là CTCP Nhà Hòa Bình.

Động thái đăng ký mua cổ phiếu của ông Nam được đưa ra ngay trước thềm Tập đoàn Hòa Bình tổ chức phiên họp Đại hội cổ đông thường niên 2023 vào ngày 27/6, nhằm thông qua một số kế hoạch cũng như những hoạt động mà công ty sẽ thực hiện sắp tới.

Theo tạp chí Mekong Asean, đến thời điểm hiện tại, Hòa Bình vẫn chưa có Báo cáo tài chính kiểm toán và Báo cáo thường niên 2022. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu HBC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/05/2023 và chỉ được giao dịch phiên chiều ngày giao dịch.

Theo báo cáo tự lập, Hòa Bình báo lỗ 1.202 tỷ đồng quý IV/2022, khiến kết quả cả năm thua lỗ 1.140 tỷ đồng, xóa sạch 455 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối và chuyển sang lỗ lũy kế 688,5 tỷ đồng.

Sang quý I/2023, Hòa Bình vừa tiếp tục báo lỗ thêm 445 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 1.137 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HBC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là vì công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Đồng thời, HBC tiếp tục bị giữ ở diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022).

Lý do công ty chậm nộp báo cáo, theo giải trình của doanh nghiệp, là công tác quản trị nội bộ của tập đoàn phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động.
Vân Anh (T/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-nham-chuc-nua-thang-tong-giam-doc-tap-doan-hoa-binh-dang-ky-mua-2-trieu-co-phieu-a579178.html