Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng.

Theo kịch bản trên, KIDO dự kiến sẽ thu lời hơn 76% so với thực hiện năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 năm trở lại đây của công ty.

Theo thông tin trong tài liệu họp ĐHĐCĐ, năm 2023 được coi là một năm quan trọng đối với KIDO, khi công ty sẽ tiến hành chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp theo 4 nhóm ngành, bao gồm dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm (và các loại nước chấm).

Bên cạnh đó, đại diện công ty cho biết, việc liên kết với các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp KIDO mang lại tỉ suất lợi nhuận tốt hơn, đặc biệt là nếu tình hình giá nguyên vật liệu ổn định trong năm tới.

Khoản lỗ đậm nhất lịch sử kinh doanh

Trong giai đoạn từ 2015-2018, KIDO chạm đỉnh lợi nhuận với 5.269 tỷ đồng vào năm 2015. Nguyên nhân là nhờ hoàn rất thương vụ mua bán mảng bánh kẹo đem lại doanh thu tài chính lên tới 6.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rút chân khỏi mảng bánh kẹo lợi nhuận của công ty liên tục “co lại” dù doanh thu liên tục được cải thiện.

Sang giai đoạn từ 2019 đến 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn KIDO ghi nhận tăng trưởng đều qua các năm, từ mức 7.210 tỷ đồng trong năm 2019 lên 10.496 tỷ đồng trong năm 2021. Cùng theo chiều hướng tăng của doanh thu, lợi nhuận của KIDO cũng cứ vậy “phi mã" tới 653 tỷ đồng vào năm 2021.

Tuy nhiên, đến năm 2022, dù doanh thu chạm mốc hơn 12.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của KIDO teo lại chỉ còn 362 tỷ đồng, “bốc hơi" 43% so với cùng kỳ năm 2021.
leftcenterrightdel
 

Chuyển sang năm 2023, kế hoạch kinh doanh trên được đưa ra trong bối cảnh quý I/2023 KIDO kinh doanh không mấy khả quan với số lỗ “đậm" nhất trong lịch sử kinh doanh.

Cụ thể, doanh thu thuần của KIDO ghi nhận 2.060 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong quý của "cựu hoàng" bánh kẹo đạt 104 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với quý I/2022; chủ yếu là do công ty trích lập thêm khoản lãi thanh lý đầu tư hơn 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Sau khi trừ các chi phí, KIDO lỗ hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ “ông hoàng” M&A ngành thực phẩm này lãi 121 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của KIDO kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nguyên nhân đến từ việc công ty phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 305 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản chi phí thuế này không được KIDO thuyết minh chi tiết mà chỉ được để trong phần “khác".

leftcenterrightdel
 

Đôi nét về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của KIDO là 13.237 tỷ đồng, giảm 5% so với số cùng kỳ. Trong đó chiếm đa số là tài sản ngắn hạn. Trong kỳ, KIDO ghi nhận lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.272 tỷ đồng, tăng 106%.

Về tài sản dài hạn, cuối tháng 3/2023, đầu tư tài chính dài hạn của công ty ở mức 1.991 tỷ đồng, giảm 49% so với đầu năm. Nguyên nhân là do công ty đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi Công ty TNHH Dầu Thực vật Cái Lân (Calofic) với giá chuyển nhượng 2.158 tỷ đồng.

Dư nợ tính đến ngày 31/3/2023 của KIDO ghi nhận 6.336 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện KIDO đang sở hữu 14 khoản vay với tổng trị giá 3.698 tỷ đồng tại 6 ngân hàng.

Tiếp tục mở rộng các thương vụ M&A

Theo thông tin từ tài liệu họp ĐHĐCĐ, để đảm bảo tài chính và thúc đẩy sự phát triển, Hội đồng quản trị của KIDO đã đề xuất giảm tỉ lệ cổ tức đặc biệt năm 2022 từ 50% xuống còn 10% bằng tiền mặt.

Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế và các kế hoạch đầu tư mới trong năm nay. Gần đây, KIDO đã hoàn tất việc mua lại 25% cổ phần của thương hiệu bánh bao Thọ Phát và dự kiến nâng tỉ lệ sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên 76%.
leftcenterrightdel
 

Công ty dự kiến sẽ chi trả cổ tức đặc biệt trong quý III-IV/2023, sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu ESOP của năm 2022. Ngoài ra, HĐQT KIDO cũng đề xuất hủy phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần với tỉ lệ 10%. Thay vào đó, công ty dự định sử dụng 22,5 triệu cổ phiếu quỹ để chia sẻ cho cổ đông hiện hữu.

Nằm trong kế hoạch đã được thông qua vào giữa tháng 4/2023, Tập đoàn KIDO đang trong quá trình thương thảo để nắm quyền chi phối từ 51% đến 70% Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.

Qua thương vụ M&A này, Tập đoàn KIDO dự kiến mảng bánh (tính gộp cả các sản phẩm thương hiệu bánh bao Thọ Phát) sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay. Đây cũng là khoản đóng góp lớn cho chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của KIDO theo kế hoạch đã đề ra.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/len-ke-hoach-lai-cao-nhat-7-nam-tap-doan-kido-dang-lam-an-the-nao-a611746.html