Mở toang room ngoại: Ngân hàng không đồng tình!
Cập nhật lúc 09:12, Thứ ba, 15/09/2020 (GMT+7)
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng. Theo giới chuyên gia, việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại sẽ làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.
Không như một số ngành khác, room vốn ngoại tại các ngân hàng TMCP tối đa chỉ được 30%. Vì vậy, muốn tìm được đối tác chiến lược, thời gian qua, các ngân hàng phải dùng đến quyền mở, đóng room tại thời điểm thích hợp để có dư địa tìm đối tác đầu tư dài hạn hỗ trợ ngân hàng phát triển và đạt được mức giá chào bán có lợi nhất cho cổ đông.
Đơn cử, mới đây, HDBank vừa công bố khóa room vốn ngoại ở mức 21,5% (hiện nhà đầu tư ngoại đang nắm hơn 21% vốn tại HDBank), nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược. Tuy nhiên, từ năm 2021, có thể ngân hàng sẽ không còn quyền tự quyết về room ngoại. Quy định trên khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hết sức lo lắng. Đại diện MBBank đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cho phép Đại hội đồng cổ đông được quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng như cũ.
Giải trình về quy định tước quyền định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trong quá trình thực hiện quy định cũ, một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông (không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài), không bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, tính thanh khoản của cổ phiếu…
“Mở toang” room: không phù hợp với ngành nhạy cảm
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành cũng chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định, chứ không quy định tỷ lệ này là cố định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ nhất định trong mức room ngoại tối đa được Nhà nước quy định.
Việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư ngoại tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, song lại làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.
Thực tế, room ngoại thời gian qua đã được các ngân hàng tận dụng rất tốt trong tìm kiếm đối tác chiến lược có thể hỗ trợ về chiến lược, quản trị, vốn, giúp triển khai các chiến lược dài hạn của ngân hàng. “Việc có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường là cổ đông của ngân hàng có thể gây tác động tiêu cực đến quản trị, thay đổi định hướng phát triển hoặc gây bất ổn định đến cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành của ngân hàng”, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo. Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Chính phủ quy định room ngoại của ngân hàng tối đa là 30%, chứ không có quy định nào bắt buộc phải mở hết room 30% này. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán yêu cầu tất cả ngân hàng phải “mở toang” hết room này là không hợp lý.
“Quy định này vi phạm quyền tự quyết của doanh nghiệp, ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng là ngành nhạy cảm, cổ đông nước ngoài cần được chọn lọc kỹ càng, được cơ quan quản lý phê duyệt nhằm tránh ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Việc “mở toang” room 30% có thể khiến việc kiểm soát cổ đông lớn có yếu tố nước ngoài trở nên khó khăn”, TS. Hiếu nói.
Theo Tiền Phong
Nguồn Link bài gốchttps://www.tienphong.vn/kinh-te/mo-toang-room-ngoai-ngan-hang-khong-dong-tinh-1721311.tpo