Theo Nhịp sống kinh tế đưa tin, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quang Trung vừa thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Trường Phát (gọi tắt là công ty Trường Phát) tại BIDV Quang Trung đến ngày 29/2/2020 là 104,8 tỷ đồng trong đó nợ gốc hơn 76,5 tỷ và nợ lãi trong hạn 19,17 tỷ, nợ lãi quá hạn hơn 9 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra lúc 10h ngày 17/9/2020 tại Chi nhánh Hà Nội Công ty Đấu giá Hợp danh Bến Thành - Phòng 403 tầng 4 tòa nhà Ocean Park, số 01 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

leftcenterrightdel
 
Đây là lần thứ 2 trong 2 tháng BIDV rao bán khoản nợ của công ty Trường Phát (Ảnh minh họa) 

Tài sản bảo đảm của khoản nợ bao gồm: Một là: 834m2 Quyền sử dụng đất trong tổng thể mảnh đất có diện tích 2.832m2 tại Số 2-4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BT 555308 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp ngày 14/8/2014 thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư dự án Quốc tế, mã số doanh nghiệp: 0101125527. Hai là: Dây chuyền sản xuất giấy CHM A4-4 và Máy đóng đai tự động.

Theo Báo đầu tư cho biết, lô đất số 2 - 4 Đội Nhân, do Thành phố giao cho CTCP Tư vấn đầu tư dự án Quốc tế (ICC) thực hiện dự án xây dựng khu văn phòng và nhà ở. Tuy nhiên, do không triển khai được, dự án này đã trở thành bãi đỗ xe trái phép.

Giá khởi điểm cho các tài sản trên là 98 tỷ đồng. Mức giá này không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có). Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Tiền đặt trước là 9,8 tỷ đồng, tiền mua hồ sơ 500 nghìn đồng.
leftcenterrightdel
 BIDV rao bán các khoản nợ xấu nhiều lần (Ảnh: Quang Hưng/ Kinh tế và tiêu dùng)

Trên tờ Tuổi trẻ nhận định, BIDV đấu giá nhiều khoản nợ lớn thuộc đối tượng xử lý theo quy định nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm.

Cũng căn cứ trên cơ sở của Nghị quyết 42, Thời báo kinh doanh đã có bài viết phân tích về tình trạng chung của các ngân hàng khi xử lý các khoản nợ xấu. Bài viết cho biết, tình trạng chung mà các ngân hàng gặp phải là "khó bán". Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc này, là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho nợ xấu tăng, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Cụ thể, sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được người mua. BIDV chi nhánh Phú Tài cũng thông báo đấu giá tài sản lần thứ 17 đối với khoản nợ của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn còn 800 tỉ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi...




Anh Vũ (Sở hữu trí tuệ)
Nguồn
Link bài gốc