|
|
Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng đã kê biên tài sản gồm nhà cửa, vật kiến trúc và thiết bị của Nhà máy Luyện gang Vạn Lợi. (Ảnh: Đỗ Hoàng/ Báo Đấu thầu) |
2 chủ nợ tranh chấp 1 con nợ
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, do không trả được nợ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Hải Phòng (Vietcombank Hải Phòng) đã đưa tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng… (giai đoạn 1) của nhà máy luyện gang Vạn Lợi tại xã An Hồng, An Dương (Hải Phòng) như: nhà điều hành, nhà ăn ca, đường ray xe pooctic, trạm biến áp… của nhà máy luyện gang Vạn Lợi để thực hiện bán đấu giá tài sản.
Trong khi Vietcombank Hải Phòng ra thông báo đấu giá tài sản trên, thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV Long Biên Hà Nội) cũng đã có thông báo về nguy cơ tranh chấp khi mua tài sản đấu nhá của nhà máy Luyện gang Vạn Lợi giai đoạn 1 và các hạng mục khác của nhà máy hình thành trong tương lai.
Sở dĩ dẫn đến tranh chấp của 2 ngân hàng nói trên là do Công ty Vạn Lợi đã thực hiện đầu tư đồng thời 2 giai đoạn của nhà máy và thế chấp các tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng và các hạng mục khác cho 2 tổ chức tín dụng. Giai đoạn 1 của nhà máy công ty vay vốn đầu tư tại Vietcombank Hải Phòng, giai đoạn 2 công ty vay vốn tại BIDV Long Biên Hà Nội. Trong quá trình đầu tư nhà máy, có nhiều hạng mục được dùng chung cho cả 2 giai đoạn: nhà điều hành, nhà ăn ca, nhà để xe, trạm cân 120 tấn… Do đó, việc phân chia từng hạng mục riêng lẻ để thực hiện bán đấu giá theo từng giao đoạn được cho là không thể thực hiện được. Người trúng đấu giá sẽ có nguy cơ xảy ra rủi ro pháp lý.
Người trong cuộc nói gì?
Trả lời Báo Đấu thầu, BIDV Long Biên Hà Nội cho rằng, người trúng đấu giá mua riêng lẻ giai đoạn I của Nhà máy sẽ đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý liên quan đến việc phân định tài sản này. Giải pháp là các bên phải thống nhất cùng xử lý đối với các hạng mục dùng chung này.
Hiện BIDV Long Biên Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục để khởi kiện Công ty CP Luyện gang Vạn Lợi đối với việc vay vốn đầu tư giai đoạn 2 của Nhà máy Luyện gang Vạn Lợi.
|
|
Hiện, nhà máy luyện gang Vạn Lợi đang bị người dân phong tỏa vì gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Được biết, BIDV Long Biên Hà Nội cũng đã có đơn khiếu nại tới Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc kê biên tài sản bán đấu giá của Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng đối với dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng và các hạng mục khác (giai đoạn 1) của Nhà máy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Vietcombank Hải Phòng cho biết, việc thực hiện bán đấu giá tài sản là dây chuyền máy móc thiết bị, nhà xưởng và các hạng mục khác (giai đoạn 1) của Nhà máy Luyện gang Vạn Lợi được Vietcombank Hải Phòng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, theo bản án của Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng và kê biên của Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng.
BIDV Long Biên Hà Nội có nguy cơ mất trắng
Trao đổi với phòng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Lê Bá Châu - Giám đốc Công ty Luật CMA – Đoàn Luật sư TP Hải Phòng cho biết, Vietcombank Hải Phòng là bên nhận bảo đảm trước, đã tiến hành khởi kiện ra tòa và thắng kiện, do đó BIDV Long Biên Hà Nội đang bị rủi ro và có nguy cơ không thu hồi được nợ.
|
|
Luật sư Lê Bá Châu – Giám đốc Công ty Luật CMA, đoàn Luật sư TP Hải Phòng (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Theo quan điểm của Luật sư Châu, sự việc khó có thể giải quyết hài hòa được quyền lợi giữa các bên vì trong việc thi hành án này không có tên của BIDV Long Biên Hà Nội.
BIDV vướng nợ xấu gấp gần 4 lần so với Vietcombank
Tạp chí Thương trường cho biết, với 19.451 tỷ đồng nợ xấu năm 2019, gấp gần 4 lần so với Vietcombank, chính vì thế từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV liên tục rao bán các khoản nợ, thậm chí có khoản xấu tới mức rao mấy chục lần những cũng không ai mua.
Cụ thể, vừa mới đây trong tháng 3/2020, BIDV Chi nhánh Thành Nam thông báo bán đấu giá loạt tài sản của CTCP Thuý Đạt tới lần thứ 24 với giá khởi điểm chỉ hơn 98 tỷ đồng. Cụ thể các tài sản đó là toàn bộ văn phòng, nhà xưởng và các loại máy móc ở Nam Định.
Hay khoản nợ tới 1.153 tỷ đồng của Công ty TNHH Việt Can và DNTN Như Ý tại BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang. Trong đó, DNTN Như Ý là 804 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can là 349 tỷ đồng. Giá khởi điểm cho lần đấu giá thứ “n” này được giảm từ ngàn tỷ xuống còn 840,8 tỷ đồng dù các tài sản bảo đảm là hàng trăm nghìn m2 đất tại Khu đô thị mới - Thành phố lễ hội thuộc phường Vĩnh Mỹ, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
BIDV Nghệ An cũng vừa rao bán lần thứ 9 khoản nợ 36,6 tỷ của CTCP Đầu tư & thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT). Tài sản thế chấp cho khoản vay này là 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22) diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 733 m2 tại tòa nhà Dầu khí. Mặc dù rao bán lần thứ 9 nhưng BIDV vẫn không hạ giá cho khoản nợ này.
Cũng lần thứ 9 và không hạ giá, BIDV Hà Thành bán đấu giá tài sản là 191,6 m2 nhà đất tại Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội với giá khởi điểm 16 tỷ đồng.
Với lần thứ 7 này, BIDV Thành Nam bán đấu giá toàn bộ tài sản gắn liền với đất là nhà điều hành, xưởng với tổng diện tích 4.345 m2 đất tại Lô B1, KCN Hòa Xá, Mỹ Xá, Nam Định. Giá khởi điểm của toàn bộ tài sản này là gần 32 tỷ đồng.
Khoản nợ hơn 107 tỷ đồng của Công ty TNHH Thanh An An cũng được rao bán lần 4 dù tài sản bảo đảm có tới 30 quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM. Giá khởi điểm cũng được giảm từ 108 tỷ xuống còn hơn 92 tỷ đồng nhưng BIDV vẫn khó bán.
BIDV Gia Định cũng thông báo lần 3 rao bán bán 65 căn hộ tại chung cư Era Town của CTCP Đức Khải. Chung cư này toạ lạc tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TPHCM. Diện tích dao động từ 136-316 m2 với giá bán từ 2,1-4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng nợ xấu này vẫn ế ẩm.
Đối với khoản nợ được đấu giá lần 2 của CTCP XNK Dệt may Thuý Đạt có giá khởi điểm là 6,87 tỷ đồng với máy hấp, máy chụp phim, xe đẩy…; hay hơn 3 tỷ dư nợ của CTCP Thương mại XNK Phương Thúy với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 72,6 m2 đất và tài sản gắn liền với đất ở Khu tái định cư Đồng Quýt, xã Lộc An, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.