Thực trạng, các Chủ đầu tư dự án “ôm đất” nhưng không chịu triển khai với nhiều lý do khác nhau, đáng nói những dự án “đắp chiếu, rùa bò” chưa bị xử lý, thu hồi từ cơ quan chức năng, việc này dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, gây mất mỹ quan đô thị.
|
|
Dự án Trụ sở Vietcombank bỏ hoang “đất vàng” Trần Thái Tông hiện thời chỉ là rác và cỏ (ảnh Đinh Phương) |
Theo ghi nhận của PV Thương Trường tại địa bàn Thủ đô, những điểm nóng về “đất vàng” chậm triển khai chủ yếu tập trung tại các quận như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông. Sự việc không phải là mới nhưng để xử lý những sai phạm tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết.
Chính vì vậy, để xử lý những dự án chậm triển khai, không triển khai, sử dụng sai đất sai mục đích. Ngày 27/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7101/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin mà báo chí nêu về hơn 300 dự án treo và bị bỏ hoang ở Hà Nội.
Những dự án này được quy hoạch đã từ lâu hầu hết có tuổi đời hàng thập kỷ vẫn "đắp chiếu" bỏ hoang. Khiến bộ mặt Thủ đô trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh.
|
|
Dự án Trụ sở ngân hàng Vietcombank bỏ hoang “đất vàng” Trần Thái Tông (ảnh: Đinh Phương) |
Điểm mặt những dự án “đắp chiếu” có thể kể đến như: Dự án Trụ sở của Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, dự án có diện tích hơn 5.000 m2 nằm cuối đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) CĐT là Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Được biết, năm 2008 Vietcombank được TP Hà Nội giao cho hơn 5.000 m2 đất vàng mặt tiền tại đường Trần Thái Tông để xây trụ sở. Tại thời điểm này, để trở thành chủ nhân khu đất Vietcombank đã phải chi ra hơn 265 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay đã trải qua thời gian 12 năm hiện dự án vẫn nằm bất động và không có thông tin gì liên quan đến việc triển khai.
Ghi nhận thực tế tại dự án của CĐT Vietcombank. Tại đây, hàng nghìn m2 đất bên trong dự án trụ sở Vietcombank hiện thời chỉ toàn là rác và cỏ dại, xung quanh dự án trụ sở Vietcombank được quây tôn kín, vắng vẻ "u ám" cùng với đó là sự "nhếch nhác" của rác và vật liệu xây dựng vương vãi gây mất mỹ quan đô thị.
Đến thời điểm 2012 (tức sau 4 năm kể từ năm 2008) UBND TP Hà Nội khẳng định lô đất của Vietcombank tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, Điều 38 của Luật Đất đai. Trước khẳng định trên đồng nghĩa với việc UBND TP Hà Nội cần kiểm tra, ra Quyết định thu hồi dự án theo đúng quy định tại Luật Đất đai năm 2003.
Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2003 quy định sau 24 tháng dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần giá trị đã đầu tư trên đất. Mặt khác cũng theo Luật Đất đai năm 2013 thì sau 24 tháng chậm tiến độ thì được phép kéo dài thêm 24 tháng nữa tức là được phép kéo dài 4 năm. Nếu dự án không triển khai thì cần kiểm tra, thu hồi.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.
Thế nhưng điều khó hiểu khiến dư luận bức xúc ở đây chính là lô đất rộng hơn 5.000m2 của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã qua 12 năm kể từ ngày giao đất nhưng vẫn đang trong tình trạng để hoang, lãng phí tài nguyên đất lại không có dấu hiệu được thu hồi.
Dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi CĐT Vietcombank có phải chăng chỉ "vẽ" dự án để ôm đất, hay vì một lý do nào khác? Cũng có nhiều nghi ngại về việc dự án hiện có còn là của CĐT Vietcombank hay đã “thay tên đổi chủ”?
Được biết, giai đoạn 2015-2016 Vietcombank được Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt" là một trong những ngân hàng có nhiều diện tích đất chậm triển khai hoặc chưa được đưa vào sử dụng.
Một dự án khác là cần nhắc tới cũng tại quận Cầu Giấy là Dự án V.I.C Tower, CĐT là Liên danh Công ty TNHH Phú Mỹ An - Hà Nội và Công ty TNHH thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền núi, dự án có địa chỉ tại KĐT mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng
|
|
Dự án V.I.C Tower của CĐT là Liên danh Công ty TNHH Phú Mỹ An - Hà Nội và Công ty TNHH thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền núi hiện cũng đang "hoen gỉ" và sử dụng làm bãi trông xe ngày và đêm (ảnh: Đinh Phương) |
Sau thời gian 10 năm, CĐT nhiều lần tiến hành giao bán và ký hợp đồng bán nhà, ký hợp đồng góp vốn với rất nhiều các hộ dân nhưng đến nay người mua vẫn chưa biết bao giờ mới được nhận nhà do dự án thì không được thi công, còn chính quyền thì khẳng định dự án không có phép.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 10/6/2010, UBND quận Cầu Giấy có Quyết định số 1518/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn quận Cầu Giấy và một phần lô C ô đất D4 (diện tích khoảng 3.223m2) thuộc Khu đô thị mới cầu Giấy cho đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Phú Mỹ An - Hà Nội và Công ty TNHH thương mại hỗ trợ kiến thiết Miền núi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Thương mại dịch vụ hoặc hỗn hợp (không có nhà ở).
|
|
Bãi xe tại đất dự án trên phố Phạm Văn Bạch đối diện là trụ sở của Viện Kiểm soát Tối cao (ảnh: Đinh Phương) |
Ban đầu dự án có tên là Chung cư cao cấp Sky View Trần Thái Tông, sau khi vướng phải những “lình sình” hiện dự án đã đổi tên thành V.I.C Tower. Cho đến thời điểm hiện tại dự án có tên V.I.C Tower chưa có dấu hiệu được khởi công, vẫn chỉ là những đống "sắt vụn" hoen rỉ. Theo ghi nhận hiện tại dự án đang được sử dụng làm bãi trông giữ xe có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích.
Tương tự, hiện trạng trên cũng vô cùng phổ biến tại nhiều phường trên địa bàn quận Cầu Giấy như phường Dịch Vọng, phường Trung Hòa,… ngoài những diện tích đang hoang hóa là hàng loạt các sân bóng, sân tennis, gara ô tô, buôn bán cây cảnh… nhan nhản mọc lên trên phần diện tích đất dự án. Vậy, Câu hỏi mà dư luận đặt ra khi để hiện trạng trên tồn tại, trách nhiệm thuộc về ai?