Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2020, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 10.981 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính của Vietcombank đã cho thấy những tác động đầu tiên của Covid-19 lên kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Nợ cần chú ý gấp 3 lần năm trước
Cuối tháng 6, nợ xấu ngân hàng tăng gần 11% so với đầu năm, lên mức 6.433 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 0,79% lên 0,83%.
Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng tăng mạnh lên gần 7.725 tỷ đồng, gấp 3 lần con số cuối năm trước, tức tăng tới 4.686 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng 58% so với đầu năm, lên mức hơn 1.086 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 56%, lên mức gần 919 tỷ đồng.
Ngoài chất lượng tín dụng, việc lưu chuyển tiền tệ của nhà băng này cũng gặp khó khăn. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đang âm 61.509 tỷ đồng; tiền thuần (sử dụng cho)/từ hoạt động tài chính cũng âm hơn 747 tỷ đồng; tiền thuần (sử dụng cho) hoạt động kinh doanh âm ở mức 60.948 tỷ đồng
Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tiếp tục giảm so với đầu năm
Tính tới 30/6/2020, cho vay khách hàng của Vietcombank tăng trưởng 4,9%, đạt hơn 770.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản lại giảm 3,1% so với đầu năm xuống còn hơn 1,18 triệu tỷ đồng do ngân hàng giảm cho vay các tổ chức tín dụng khác.
Hiện Vietcombank đang đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành trong 6 tháng đầu năm. Tại mục chứng khoán kinh doanh, chứng khoán nợ của Chính phủ tăng gần 3 lần so với đầu năm, lên 2.912 tỷ đồng.
Ở mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành tăng gần 3.000 tỷ lên 45.570 tỷ đồng.
Trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam những năm gần đây, CASA là một tỷ lệ so sánh, góp phần phản ánh sức cạnh tranh về nền tảng khách hàng của mỗi thành viên.
Vì đây là kết quả của phát triển dịch vụ, phát triển khách hàng và mức độ lượng tiền gửi thanh toán đọng lại.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 5,7% đạt 981.218 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tính đến 30/6/2020, tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank vẫn tiếp tục suy yếu so với đầu năm, giảm khoảng 1% xuống 260.378 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA ước tính giảm từ 28,3% xuống còn 26,53%.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6/2020, Bộ Tài Chính gửi khoảng 992 tỷ đồng tại Vietcombank trong khi ngân hàng vay lại hơn 955 tỷ đồng.
Vietcombank cũng gửi hơn 72.393 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước, tăng 110% so với đầu năm. Đồng thời, số dư tiền gửi và tiền vay của Vietcombank từ NHNN cũng tăng lên gần 9.334 tỷ đồng, tức tăng thêm 6.256 tỷ đồng so với đầu năm.
Đặc biệt, tại báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2/2020 lượng tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước bất ngờ vắng mặt. Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước đã không còn trên bảng cân đối như thường trực các kỳ trước đây, trong khi cuối năm 2019 còn có tới 87.865 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2020, yếu tố này cũng đã bước đầu thể hiện, khi tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 27.444 tỷ đồng.