Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với nghịch lý doanh thu tăng lợi nhuận giảm.

Cụ thể, quý I/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Do biên độ tăng của giá vốn chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý tăng 18% lên 606 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tăng 44%, ở mức 26 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản chi trong quý này của Sữa Quốc tế đều phát sinh cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng từ 178 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, tương đương tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chi phí tài chính đạt 16 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 42 tỷ đồng; tăng lần lượt 60% và 40% so với quý I/2022.

Dưới sức bào mòn của chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi 218 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
leftcenterrightdel
 

Năm 2023, Sữa Quốc tế đề ra mục tiêu kinh doanh đạt 7.141 tỷ đồng doanh thu và 776 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc quý đầu tiên của năm 2023, công ty đã hoàn thành được 22% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của IDP ghi nhận đạt 3.953 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Dư nợ phải trả tính đến cuối tháng 3/2023 ở mức 1.928 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính 747 tỷ đồng, gồm hơn 698 tỷ đồng vay ngắn hạn và 49 tỷ đồng vay dài hạn.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở mức 2.025 tỷ đồng với 1.155 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Mới đây vào ngày 12/4, quỹ ngoại Daytona Investments Pte. Ltd đã chi khoảng 1.370 tỷ đồng để mua vào 5,3 triệu cổ phiếu IDP qua đó trở thành cổ đông lớn tại công ty này với tỉ lệ sở hữu 8,99%.

Tại phiên giao dịch sáng 24/4, cổ phiếu IDP đang giao dịch quanh vùng giá 206.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, Sữa Quốc tế nhận định, thị trường sữa năm 2022 đã hồi phục do các hạn chế về COVID-19 đã được dỡ bỏ, việc sản xuất, phân phối đã quay trở lại như bình thường. Tuy nhiên, do xung đột Nga-Ukraine đã làm thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cũng như lạm phát tăng cao bào mòn thu nhập có thể sử dụng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, công ty đánh giá về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2031 tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/chi-phi-tang-cao-bao-mon-loi-nhuan-cua-sua-quoc-te-idp-a604557.html