SCIC sẵn sàng bơm vốn cho Vietnam Airlines

Chiều ngày 12/11/2020, Quốc hội đã họp riêng và thảo luận ở hội trường về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN, Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
 Vietnam Airlines cầu cứu Chính phủ bơm tiền, nếu không sẽ mất thanh khoản

Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất quý III/2020 của Vietnam Airlines cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đã giảm 56,8% xuống 32.411 tỷ đồng, không đủ bù đắp giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 7.707 tỷ đồng. Qua đó, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 10.505 tỷ đồng và lỗ trước thuế công ty mẹ là 8.555 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, Vietnam Airlines ghi nhận 32.255 tỷ đồng đồng nợ vay ngắn và dài hạn đối với công ty mẹ, bằng 55% tổng tài sản và 35.056 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn hợp nhất, bằng 56% tổng tài sản. Chỉ số này chưa phải cao kỷ lục đối với Vietnam Airlines trong 13 năm qua và vẫn ở mức trung bình so với các doanh nghiệp lớn niêm yết chứng khoán trên sàn.

Dù vậy, năm 2020, khi Covid-19 ập đến, Vietnam Airlines đang đưa ra các tín hiệu cho thấy bức tranh tài chính không mấy khả quan khi nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 20.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, cả năm 2020, Vietnam Airlines có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi.

Kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam đã nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các TCTD và nhà cung cấp cũng như các diễn biến của dịch Covid -19. Vietnam Airlines đã trình phương án xin hỗ trợ từ Chính phủ với số tiền 12.000 tỷ đồng gồm 4.000 tỷ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính Vietnam Airlines

Ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trả lời phỏng vấn của VTV, cho biết trong trường hợp phát hành theo mệnh giá, SCIC sẽ thay mặt Nhà nước đầu tư vào tương đương 85% của 8.000 tỷ đồng. Với con số đó, nếu được Chính phủ thông qua SCIC đã sẵn sàng thực hiện và không gặp bất cứ khó khăn nào ở thời điểm hiện tại.

"Ung nhọt" của Vietnam Airlines có phải vì Covid -19?

Cùng ngành hàng không, Vietjet Air hoạt động ở phân khúc dễ bị tổn thương nhất khi có dịch bệnh và cắt giảm chi tiêu của người dân. Cũng như Vietnam Airlines, Vietjet Air đang bị lỗ vì Covid – 19 và bán hàng dưới giá vốn. Tuy nhiên, Vietjet Air đang có tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, và tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản chỉ 23%. Trong nhiều năm, Vietjet Air luôn thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với mức từ 30% trở lên.

Câu hỏi đặt ra rằng, những kết quả mà Vietnam Airlines đang "gánh chịu" trong những tháng qua hoàn toàn do khách quan dịch Covid – 19 ập tới?

Vietnam Airlines cho biết, dịch Covid -19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines mà còn ảnh hưởng lớn đến các công ty thành viên như VACS, Skypec, Viags…

Thuyết minh báo cáo tài chính các năm cho thấy, khoản lợi tức được chia từ các công ty thành viên và lãi tiền gửi ngân hàng đủ để Vietnam Airlines trả chi phí lãi vay. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận các công ty thành viên bị sụt giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của Vietnam Airlines.

leftcenterrightdel
 Nguồn: Số liệu Báo cáo thường niên Vietnam Airlines

Ngoài ra, có bức tranh khác ít được đề cập nhưng có thể đã ảnh hưởng mạnh đến tình trạng tài chính của Vietnam Airlines, đó là Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA).

Theo tài liệu, đến cuối năm 2011, lỗ luỹ kế của JPA là 2.476 tỷ đồng. Ngày 21/02/2012, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo Quyết định số 94/QĐ – TTg ngày 16/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2012 cho biết, tỷ lệ nắm giữ của Vietnam Airlines tại JPA ở thời điểm chuyển giao là 69,93%, sau đó Vietnam Airlines bán bớt 3% cổ phần cho Qantuas Airways và góp thêm 385 tỷ đồng, nâng tỷ lệ vốn góp tại JPA lên 67,83%. Sau khi nhận chuyển giao, năm 2012, JPA phát sinh tiếp khoản lỗ 392 tỷ đồng.

JPA tiếp tục lỗ trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và ghi nhận lãi vào năm 2015 với 256 triệu đồng. Chủ tịch HĐQT của JPA khi đó, ông Dương Trí Thành (nay là Tổng giám đốc Vietnam Airlines) nói: "Với những bước đi cẩn trọng mà nổi lên là thay đổi đội tàu bay, ổn định thương hiệu, phát triển mạnh các đường bay quốc tế và quốc nội, đến hôm nay chúng tôi rất phấn khởi thông báo quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc đã có những kết quả bước đầu tốt đẹp."

Ngay sau "bước đầu tốt đẹp" ấy, Vietnam Airlines đã bơm vốn mạnh để JPA tăng vốn điều lệ từ mức 1.802 tỷ đồng lên 3.522 tỷ đồng (trước đó, Vietnam Airlines đã 2 lần bơm vốn cho JPA 385 tỷ đồng vào năm 2012 và 536 tỷ đồng vào năm 2014). Cũng trong năm 2016, JPA đã vay gần 3.000 tỷ đồng ngắn hạn đầu tư vào mua 10 tàu bay; chủ tịch JPA về làm CEO của Vietnam Airlines và JPA trở lại trạng thái lỗ nặng.

Cùng phân khúc hoạt động với Vietjet Air, lại được lợi thế từ hệ sinh thái của Vietnam Airlines (Công ty Nhiên liệu Hàng không Việt Nam – Skypec, Vietnam Airlines mẹ, VAECO, VACS, VIAGS...) nhưng phải đến năm 2018, JPA bắt đầu cân đối được thu chi và đến năm 2019 báo lãi 31,1 tỷ đồng trước thuế.

Thế nhưng, số lãi năm 2019 chỉ rất nhỏ so với số lỗ luỹ kế của JPA đến cuối năm 2018 là (-) 4.252 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước từng cho biết, ở thời điểm cuối năm 2018, JPA bị âm vốn chủ sở hữu (-)180 tỷ đồng.

Bộ 3 "định mệnh"

JPA được thành lập vào năm 1992 với 3 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, SCIC và ông Lương Hoài Nam. Điều đáng lưu ý rằng, gần 10 năm trước, khi lỗ luỹ kế của JPA mà cổ đông thiểu số phải gánh chịu đã vượt quá phần vốn góp của cổ đông thiểu số vào JPA, - 2.476 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại JPA từ SCIC, nắm giữ gần 70% vốn của JPA.

leftcenterrightdel
Nguồn: Số liệu tổng hợp 

Và gần 10 năm sau, khi Vietnam Airlines có nguy cơ bị âm vốn chủ sở hữu, SCIC - cổ đông sáng lập của JPA, đã vượt qua các điều kiện để sẵn sàng bơm vốn "cứu" Vietnam Airlines.

Theo Báo Dân Việt
Nguồn
Link bài gốc

https://danviet.vn/ung-nhot-cua-vietnam-airlines-co-phai-vi-covid-19-20201116091800136.htm