Dấu hiệu “nhái” Bia Hà Nội

Đây là sản phẩm bia bom – loại cỡ nhỏ - có gắn nhãn “STAR BEER HÀ NỘI” mà PV tìm mua được ở khu vực thị trường ở tỉnh Thái Nguyên.
leftcenterrightdel
 Sản phẩm bia bom có dấu hiệu rõ ràng xâm phạm nhãn hiệu Bia Hà Nội.

Trên nhãn sản phẩm này có ghi tên thương nhân: “CÔNG TY TNHH ĐẠI VIỆT CHÂU Á”. Tuy nhiên, trên nhãn lại không thể hiện rõ mối quan hệ pháp lý của thương nhân này đối với sản phẩm. Nói cách khác, nhìn vào nhãn chưa thể biết Công ty TNHH Đại Việt Châu Á là đơn vị sản xuất, phân phối hay là thương nhân chịu trách nhiệm đối với sản phẩm này.

Trên nhãn sản phẩm có ghi: “SX phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật QCVN 6-3:2010/BYT”; “CB: số 01/ĐAIVIETCHAUA/2018”; “ĐC: Khu 7 – Thị trấn Trôi – Hoài Đức – TP. Hà Nội”. Ngoài ra, sản phẩm không thể hiện bất cứ số điện thoại nào khác để khách hàng hoặc ai đó có thể phản ánh về chất lượng hàng hoá, dịch vụ tới nhà sản xuất, cung cấp.

Việc sử dụng cụm từ “BEER HÀ NỘI” để đặt tên cho sản phẩm bia hơi, (rõ ràng) có dấu hiệu tương tự hoặc gây nhầm lẫn đối với sản phầm Bia Hà Nội. Đây là một dạng xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký - một dạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Từ thực tiễn pháp luật và giám định, có ba yếu tố/điều kiện để xác định một sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền là:

1) Đối tượng bị xem xét là dấu hiệu được gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác;

2) Đối tượng bị xem xét có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ;

3) Việc sử dụng đối tượng bị xem xét là hành vi không được phép.

Đối tượng bị xem xét ở đây được hiểu là sản phẩm – bia STAR BEER HÀ NỘI. Với dấu hiệu “STAR BEER HÀ NỘI” và hình gắn trên chai sản phẩm bia. Có nhiều dấu hiệu rõ ràng về việc đã thoả mãn ba điều kiện cấu thành yếu tố xâm phạm quyền được quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ (về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP), đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNDKNH số 205617 của Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.

Nói rõ thêm, việc sử dụng các từ HÀ NỘI/HANOI gắn với BIA/BEER, BIA/BEER gắn với HÀ NỘI/HANOI đều gây nhầm lẫn với sản phẩm Bia Hà Nội đã được đăng ký bảo hộ.

Nhiều dấu hiệu bất thường tại cơ sở sản xuất

Tìm tới địa chỉ Công ty TNHH Đại Việt Châu Á tại Khu 7 – Thị trấn Trôi – Hoài Đức để tìm hiểu một số thông tin về sản phẩm bia STAR BEER HÀ NỘI, PV bắt gặp khu vực cơ sở sản xuất gắn biển Công ty TNHH Đại Việt Châu Á. Cơ sở này nằm ngay đường QL32, trong khu dân cư Khu 7 của Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức.
leftcenterrightdel
 Khu sản xuất bia gắn biển Công ty TNHH Đại Việt Châu Á, ở tổ 7, thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Theo quan sát, khu vực sản xuất đang hoạt động, trong đó có các dây chuyền đang thực hiện đóng chai (loại chai nhựa, màu bạc, cỡ 1 lít). Phía ngoài sân, còn nhiều bom bia loại to đang được xếp thành nhiều chồng. Quan sát kỹ, sẽ nhận thấy các bom này ghi nhãn có dấu hiệu “Beer HÀ NỘI”.
leftcenterrightdel
 Sân của khu vực sản xuất bia của Công ty Đại Việt Châu Á để nhiều bom bia có dấu hiệu "Beer Hà Nội".

Toàn bộ khu vực sản xuất là khối nhà lợp tôn khá cũ, ngay sát phía trước là mương nước thải bẩn thỉu, hôi hám, trông nhếch nhác.
leftcenterrightdel
  Mương thoát nước thải ngay sát phía trước khu sản xuất bia của Công ty Đại Việt Châu Á.
 Khi thấy PV đến liên hệ tìm hiểu thông tin, vị bảo vệ của Công ty TNHH Đại Việt Châu Á ra sức ngăn cản không cho PV vào để liên hệ với bộ phận có thẩm quyền. Chỉ sau khi trao đổi với lãnh đạo Công ty về nội dung nào đó (?) thì vị bảo vệ này mới chấp nhận … nhận nội dung tìm hiểu thông tin.

Tìm hiểu được biết, quy chuẩn kỹ thuật QCVN 6-3:2010/BYT được ghi trên nhãn sản phẩm bia STAR BEER HÀ NỘI của Công ty TNHH Đại Việt Châu Á là bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn, được ban hành năm 2010, đến nay vẫn còn hiệu lực.

Quy chuẩn này quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với cồn thực phẩm được sử dụng để sản xuất đồ uống có cồn và các sản phẩm đồ uống có cồn. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này gồm: Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn tại Việt Nam; và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, về vệ sinh an toàn thực phẩm và công nghệ, về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Đại Việt Châu Á, PV đã liên hệ với cơ quan chức năng quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Trường hợp vi phạm được lập biên bản, cần tiến hành việc dừng sản xuất và thu hồi các sản phẩm bia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên.

Nhiều sản phẩm nhái Bia Hà Nội đã bị phát hiện và xử lý

Về vấn đề sản phẩm bia “nhái” sản phẩm Bia Hà Nội, đã có nhiều trường hợp bị phát hiện và xử lý vi phạm.

Cụ thể, tháng 5/2021, Đội quản lý thị trường số 14 – Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất và thu giữ gần 3000 sản phẩm bia xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bia Hà Nội. Đó là sản phẩm bia lon của Công ty cổ phần bia quốc tế Sài Gòn – Hà Nội, có gắn nhãn “BIA TƯƠI HÀ NỘI DRAGON” (Draught Beer Ha Noi Dragon). Sau đó, Công ty cổ phần bia quốc tế Sài Gòn – Hà Nội đã ký bản cam kết dừng sản xuất và thu hồi các sản phẩm bia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên.

Mới đây, ngày 21/07/2022, nhà sản xuất bia: Công ty thương mại và sản xuất An Thịnh (TNHH) đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) để cam kết chấm dứt sản xuất bia có gắn dấu hiệu HANOI BEER. Trước đó, doanh nghiệp này sản xuất bia và gắn nhãn hiệu “SPECIAL HÀ NỘI BEER”. Bị HABECO nhắc nhỏ, doanh nghiệp này nhận thấy việc sử dụng yếu tố “HÀ NỘI BEER và hình” gắn trên sản phẩm bia gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “HANOI BEER” đã được bảo hộ, nên quyết định chấm dứt hành vi này.

Những năm gần đây, càng nhiều sản phẩm bia được tung ra thị trường. Trong số đó có rất nhiều sản phẩm được gắn nhãn hiệu có dấu hiệu tương tự hoặc gây nhầm lẫn với sản phẩm – nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ: Bia Hà Nội. Trên tinh thần đó, khuyến cáo người dân chú ý khi mua bia và sử dụng, đảm bảo chọn đúng hàng mong muốn, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Mọi thông tin về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, độc giả có thể phản ánh tới Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được ghi nhận và làm rõ sự việc.
Nhóm PVPL
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/lai-phat-hien-san-pham-bia-hoi-co-dau-hieu-nhai-bia-ha-noi-d151106.html