Cụ thể, trong các ngày 23/8/2022, 19 và 29/9/2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án về tranh chấp độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh trên lãnh thổ Việt Nam mà Công ty cổ phần VNG là bị đơn.

Liên tục vi phạm bản quyền

Theo đó, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là Công ty CP truyền thông TK-L, buộc Công ty cổ phần VNG phải trả số tiền bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng vì xâm phạm bản quyền các bộ phim “The Story of Minglan – Minh Lan truyện”, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi”, “Legend of the Phoenix – Phượng Dịch” trên nền tảng internet.

Đây là số tiền đền bù thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong một bản án liên quan đến bản quyền, cho thấy cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam đã bắt đầu quyết liệt hơn trong việc chống lại các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
leftcenterrightdel
  Bộ phim "Minh Lan Truyện", một trong những phim mà Công ty VNG bị kiện vì vi phạm bản quyền.

Được biết, Công ty CP truyền thông TK-L là đơn vị được cấp quyền độc quyền khai thác đối với 3 bộ phim trên ở mọi nên tảng truyền hình và mọi nền tảng dịch vụ, ứng dụng internet trong lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, Công ty CP truyền thông TK-L phát hiện Công ty VNG khai thác 3 phim này trên trang điện tử thuộc quyền quản lý và sở hữu của mình là “tv.zing.vn” nên khởi kiện VNG, yêu cầu phải đền bù khoảng 45 tỷ đồng và xin lỗi công khai.

Tòa án nhận định, Công ty VNG đã vi phạm về khai thác bản quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, nên xét yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận. Tòa án buộc VNG phải trả cho nguyên đơn số tiền hơn 14,3 tỷ đồng (bao gồm chi phí thuê luật sư); đồng thời tòa án cũng buộc Công ty VNG xin lỗi công khai nguyên đơn trên 3 tờ báo.

Thực tế không chỉ 3 bộ phim trên, trước đó Công ty VNG cũng từng bị kiện vì tranh chấp sở hữu trí tuệ khi khai thác bộ phim “The Leaves – Chiếc lá cuốn bay”. Công ty VNG đã đăng tải trực tiếp lên trang tv.zing.vn mà không có sự đồng ý của đơn vị được cấp quyền độc quyền phát sóng và phân phối bộ phim tại Việt Nam.

Tòa án nhận định, hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền “Chiếc lá cuốn bay” của bị đơn mà không được sự cho phép hay chuyển giao quyền từ nguyên đơn đã làm mất đi giá trị khai thác độc quyền của nguyên đơn đối với bộ phim. Do đó, Tòa án đã buộc VNG bồi thường hơn 829 triệu đồng.

Không chỉ với phim ảnh, VNG cũng đã phải đền bù 4 tỷ đồng cho Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn vì có liên quan đến bản quyền nhạc trực tuyến.

Đáng nói, công ty VNG, được cho là “kỳ lân công nghệ” và có thời điểm từng dự định sẽ thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.

"Kỳ lân công nghệ" sắp lên sàn chứng khoán

Sau 18 năm phát triển, Công ty Cổ phần VNG (VNG) đã trở thành tên tuổi lớn trong cộng đồng những người đam mê công nghệ, game online.

Đặc biệt, năm 2005 đánh dấu thành công đầu tiên của VNG (tiền thân là Công ty Vinagame) bằng việc ký kết với Kingsoft để mang game "Võ Lâm Truyền Kỳ" về Việt Nam. "Võ Lâm Truyền Kỳ" đã đưa Vinagame được đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.

Việc đổi tên khẳng định quyết tâm của VNG trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động, không chỉ dừng lại ở game mà còn mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh khác trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài phát triển game online mới, VNG còn tích cực phát triển các ứng dụng như ra mắt hệ thống dịch vụ trực tuyến Zing (bao gồm Zing MP3, ZingMe, Zing Chat, Zingnews), ra mắt ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên nền tảng di động Zalo, ví điện tử ZaloPay, trợ lý ảo của Zalo mang tên Ki – Ki. Ngoài ra, VNG còn góp vốn đầu tư vào các công ty start – up công nghệ như Tiki, Telio, Ecotruck, Rocketeer,…

Năm 2014 có lẽ là một cột mốc đáng nhớ của VNG khi sau đúng 10 năm hoạt động, công ty chính thức được định giá 1 tỷ USD theo World Start – up Report, trở thành "kỳ lân công nghệ" đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó Công ty VNG đã thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/11/2022 để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Hoạt động này nhằm phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của VNG trên sàn chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM). Sau thời gian này, VNG sẽ dừng mọi thủ tục cho đến khi cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCOM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Việc đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung sẽ giúp tăng tính thanh khoản, đồng thời là cơ hội để một công ty huy động vốn dễ dàng hơn.

Được biết, Công ty VNG sẽ không thể niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vì không đủ điều kiện. Theo đó, doanh nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu trên HoSE phải có lãi trong hai năm liền trước. Tuy nhiên, năm 2021, Công ty VNG, năm 2021 báo lỗ ròng hơn 70 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty VNG đạt gần 5.767 tỷ đồng doanh thu và lỗ hơn 764 tỷ đồng. Đơn vị này đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch doanh thu và chỉ cách mức lỗ kế hoạch khoảng 23%. Kết quả kinh doanh VNG thời gian qua bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con.

Trong đó, Công ty cổ phần Zion - đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng trong năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016. Đến cuối tháng 9 năm nay, giá trị đầu tư vào ví điện tử này của VNG tăng 26,5% so với đầu năm, lên hơn 2.560 tỷ đồng.

Thanh Thảo
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/ky-lan-cong-nghe-vng-vuong-hang-loat-vi-pham-ve-ban-quyen-truoc-them-ipo-d154065.html