Kết quả cuộc điều tra khảo sát lần ba về tác động của dịch COVID-19 lần hai do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn với nền kinh tế.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 350 doanh nghiệp và 15 hiệp hội trong nước. Trong đó, 20% doanh nghiệp cho biết đã phải tạm dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Về những khó khăn đang phải đối mặt, 81% doanh nghiệp cho rằng việc không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 72% doanh nghiệp gặp khó trong việc đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% doanh nghiệp khó khăn trong việc trả tiền vay ngân hàng;...

leftcenterrightdel
 

Tác động của đợt bùng phát dịch lần hai đã khiến hơn 47% doanh nghiệp trả lời phải cắt giảm lao động. Tỉ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33%, 27% số doanh nghiệp duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm.

Trước những khó khăn trên, Ban IV đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho tất cả các doanh nghiệp cho năm 2020. Cùng với đó, Ban IV đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ...

Để kích cầu tiêu dùng, Ban IV đề xuất giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Giảm lãi, thuế thu nhập chỉ giúp cho 3 doanh nghiệp đang hoạt động tốt

 
Đánh giá về đề xuất này, TS. Quách Mạnh Hào nhận định việc giảm lãi suất và giảm thuế TNDN chỉ mang tính chất lí thuyết, chỉ giúp cho số ít các doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt. Không chỉ thế, việc áp dụng máy móc các lí thuyết không những hỗ trợ những nơi không cần hỗ trợ mà còn tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.

Phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn, rủi ro kinh doanh cao hơn, giảm lãi suất sẽ càng kích thích hoạt động đầu tư quá mức dẫn tới rủi ro hệ thống.

Khi lãi suất giảm, đơn xin vay nhiều hơn, rủi ro sàng lọc đơn vay sẽ dẫn tới việc ngân hàng tự hạn chế cho vay. Tiền sẽ được đổ vào một số ít doanh nghiệp vẫn còn hoạt động và họ sẽ đầu tư quá mức do tiền rẻ dẫn tới rủi ro hệ thống.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Hào cho rằng các chuyên gia tư vấn nên nhìn vào những gì doanh nghiệp phản ánh như phần lớn các doanh nghiệp cho biết không có khách hàng là khó khăn lớn nhất, tiếp theo là việc chi trả các khoản phí liên quan tới người lao động.

Do đó, chính sách lãi suất thấp cần kết hợp với việc chính phủ bảo lãnh và cho vay những doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán các khoản chi phí bao gồm cả trả lương người lao động. Ngoài ra, không nên giảm thuế TNDN mà nên hỗ trợ chi trả các loại phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn...

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp làm lãng phí nguồn lực và tạo ra sự bất bình đẳng

 
Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không hiệu quả và không thực chất. Bởi chính sách này chỉ giúp cho một số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi (2% doanh nghiệp), chứ không cứu được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay.

leftcenterrightdel
 

"Có thể nói việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một phương thức hỗ trợ chưa đúng cách, làm lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và khiến môi trường kinh doanh xấu đi", ông cho biết.

Chuyên gia này cho rằng chính sách hỗ trợ cần phải đi thẳng vào những vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp đã nêu ra. Có thể dùng ngân sách để miễn, giảm một phần chi phí, còn việc ưu đãi thuế thu nhập là không cần thiết.

Theo ông, cũng không ngoại trừ việc vì nguồn lực hạn hẹp mà Chính phủ buộc phải chọn những chính sách hỗ trợ "đỡ tốn kém" nhất nhưng nếu các biện pháp cũ đã chưa làm hiệu quả thì không nên thiết kế thêm các biện pháp mới. Bởi việc hỗ trợ không đúng, không trúng sẽ chỉ tạo ra sự lãng phí và phản cảm đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Cần phải đồng bộ với những giải pháp khác

 
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho biết ông không đồng ý với đề xuất giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Trước đó, Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế TNDN 30% cho những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng, đối tượng doanh nghiệp hưởng lợi đã được lựa chọn rất cụ thể.

"Việc giảm thuế và lãi cũng là những giải pháp cần thiết đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những giải pháp này phải cụ thể và đồng bộ với các giải pháp khác", chuyên gia nhận định.

Theo ông, trong 4 gói hỗ trợ Chính phủ đã triển khai đến nay, mới có gói tiền tệ - tín dụng (miễn giảm lãi vay, phí, cơ cấu lại nợ) và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan. Trong khi đó, gói tài khóa (cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí) và gói an sinh - xã hội vẫn còn chậm và còn nhiều vướng mắc, cần khắc phục.

Theo ông, việc triển khai các gói cứu trợ mới cần đảm bảo 4 nguyên tắc. Thứ nhất là qui mô cần đủ lớn và thời gian phù hợp (có thể từ quí IV/2020 đến hết năm 2021).Thứ hai là phải đảm bảo độ bao phủ từ lao động không chính thức đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn.

Thứ ba là phải có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ. Và cuối cùng là phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng.

 

Theo Lê Huy/ Kinh tế & tiêu dùng
Nguồn
Link bài gốc

https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/de-xuat-giam-lai-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-la-uu-dai-cho-nha-giau-20200914121514718.htm