Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa ra các lời cảnh báo, hướng dẫn để người dân không bị kẻ xấu lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”. Theo đại diện lãnh đạo bệnh viện, câu chuyện mạo danh “bệnh viện 108”, “bác sĩ viện 108” và các chuyên ngành của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không còn xa lạ, đã xuất hiện từ lâu. Thời gian qua bệnh viện đã liên tục có các cảnh báo về tình trạng nhiều trang cá nhân, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng từ khóa liên quan đến bệnh viện để quảng cáo, thu hút bệnh nhân khám bệnh trực tuyến để trục lợi.

Được biết, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, một loạt fanpage giả mạo ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa của fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm để tạo niềm tin, kéo người theo dõi trang. Từ đó, các cá nhân này tổ chức kinh doanh thuốc trái phép.
leftcenterrightdel
 

Những hành vi giả mạo, mượn danh bệnh viện lừa bệnh nhân có thể gây rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí tính mạng cho người sử dụng dịch vụ. Để tránh tình trạng này tiếp diễn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định:

Bệnh viện chỉ có một cơ sở khám, chữa bệnh duy nhất tại địa chỉ: Số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không cung cấp, liên kết tổ chức kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến (online), không cung cấp, liên kết kinh doanh thuốc tại các cơ sở ngoài địa chỉ chính thức, duy nhất kể trên.

Fanpage “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” của bệnh viện là trang chính chủ, duy nhất, đã có dấu tích xanh xác nhận của Facebook (nằm bên phải tên của Fanpage), vì vậy quý bệnh nhân lưu ý dấu hiệu này khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
leftcenterrightdel
 

Theo thông tin đăng tải trên Vietq, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đối tượng mạo danh bác sĩ để bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, nếu số tiền chiếm đoạt từ việc mạo danh bác sĩ bán thuốc từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết tội về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Nếu mạo danh bác sĩ tại một bệnh viện cụ thể nào đó, lấy danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi thì bị phạt tù không dưới 2 năm. Người phạm tội này trong trường hợp nặng nhất thì bị phạt tù chung thân.

Trường hợp các đối tượng có hành vi sản xuất - buôn bán thuốc giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thanh Hà
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/canh-bao-tinh-trang-mao-danh-benh-vien-trung-uong-quan-doi-108-de-truc-loi-d133867.html