Làn sóng đầu tư dịch chuyển đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Và điều này đang tạo cú hích cho bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển.
Làn sóng đầu tư dịch chuyển mở hướng mới phát triển bất động sản công nghiệp

leftcenterrightdel
 VSIP - mô hình khu công nghiệp rất thành công tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài dồn dập, bất động sản công nghiệp “lên hương”

Thông tin vừa được công bố, Mitsubishi Materials (Nhật Bản) sẽ chi 90 triệu USD để có thể nắm giữ 10% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Masan High-Tech Materials, một công ty thành viên của Tập đoàn Masan, hiện quản lý và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim ở Núi Pháo (Thái Nguyên).

Theo kế hoạch, hai bên sẽ thành lập một liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao.

Đồng thời, cũng sẽ thảo luận về việc phát triển một đơn vị kinh doanh độc lập để phát huy và tăng cường sức mạnh hiệp lực cho nền tảng vonfram chế biến cận sâu của mỗi bên.

“Quyết định hợp tác và đầu tư vào Masan High -Tech Materials sẽ tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng phát triển của Công ty trong tương lai”, ông Makoto Shibata, Giám đốc Mitsubishi Materials nói.

Như vậy, sẽ có thêm một khoản đầu tư nữa của các doanh nghiệp Nhật Bản đổ vào Việt Nam, dù không phải dưới hình thức đầu tư trực tiếp.

Thương vụ này cũng một lần nữa cho thấy, dù “khẩu vị” của các nhà đầu tư đã có nhiều thay đổi, song đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn được lựa chọn nhiều nhất.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực này trong hơn 30 năm trở lại đây vẫn đứng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, lần dịch chuyển đầu tư này, do đại dịch Covid-19 và do tác động của thương chiến Mỹ - Trung, luồng vốn sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, bởi mục tiêu lớn nhất của các nhà đầu tư trong hiện tại là “đa dạng chuỗi cung ứng”. 15 doanh nghiệp Nhật Bản cách đây ít lâu lựa chọn dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam cũng đều trong lĩnh vực sản xuất.

Tương tự, những các tên được nhắc đến gần đây đang tích cực xây thêm nhà máy tại Việt Nam, như Foxconn, Luxshare, Samsung… cũng đều trong lĩnh vực này. Tuần trước, khi “Thái tử” Samsung Lee Jae Yong sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Samsung đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Khi nhu cầu xây dựng nhà máy tăng lên, thì đó là cơ hội cho bất động sản công nghiệp phát triển. Đó chính là lý do vì sao, bất động sản công nghiệp đang trở thành điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam và đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư.

“Với nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết như vậy.

Cũng theo ông Matthew Powell, với số lượng lớn các nhà sản xuất có dự định rời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022, các nhà phát triển cần xây dựng nhiều dự án hơn để có thể nắm bắt cơ hội và đáp ứng được các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao.

Có lẽ, bởi lý do đó, tuần trước, khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sang thăm Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Hưng Yên về việc phát triển giai đoạn III của Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long.

Dự án có quy mô 180,5 ha, đầu tư hạ tầng 83 triệu USD, dự kiến thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp. Như vậy, sau khi thành công với các KCN ở Hà Nội, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, Sumitomo vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư các KCN này.

Trong khi đó, Tập đoàn Foxconn mới đây đã đề xuất đầu tư thêm một KCN quy mô 600 ha tại Bắc Giang, đồng thời tiếp tục mở rộng KCN Bình Xuyên 2 giai đoạn II tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 70 ha.

VSIP cũng đang tiếp tục mở rộng giai đoạn II VSIP Nghệ An, với nỗi lo “không đủ đất cho nhà đầu tư”. VSIP và Becamex cũng vừa khởi công KCN - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định vào cuối tháng 9 vừa qua, trong đó riêng phần diện tích cho KCN trong dự án này là 1.000 ha.

“May đo” KCN để đón nhà đầu tư

Có một điều thú vị đã từng được ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc tới, đó là để thu hút được dòng đầu tư có chất lượng, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng nhà đầu tư, chứ không phải là “may sẵn” cho tất cả các nhà đầu tư.

Việc phát triển các KCN cũng vậy. Giờ đây, có thể cũng sẽ có những KCN được “thiết kế” riêng, phù hợp cho từng đối tượng nhà đầu tư, từng lĩnh vực đầu tư.

Trên thực tế, sau 30 năm phát triển, các KCN, khu kinh tế (KKT) đã ngày càng trở thành mô hình thuận lợi để thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

Cụ thể, tính đến quý II năm nay, các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được 9.835 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 197,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 9.650 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,31 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 46,3%.

Một con số cho thấy sức hút rất lớn của các KCN, KKT. Song, để các KCN đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển thì lại là một câu chuyện khác.

“Việt Nam đang có cơ hội ngàn năm có một để đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nhưng nếu không chuẩn bị thật tốt, các tập đoàn sẽ chỉ đến khảo sát, đến tìm hiểu mà thôi, chứ không ra quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Sự chuẩn bị này, theo Bộ trưởng, là các địa phương phải chủ động trong phát triển hạ tầng, sẵn sàng đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Hơn thế nữa, trong xu hướng thu hút đầu tư hiện nay, không chỉ là cần “đất sạch” đơn thuần, với đầy đủ hạ tầng, hay với một mức giá cạnh tranh, ổn định, mà cần thiết phải mở rộng các mô hình KCN chuyên sâu, KCN sinh thái để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới.

Khá mới mẻ, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, để khẳng định việc cần phát triển các KCN mà làm sao để các doanh nghiệp trong - ngoài một KCN có thể hợp tác với nhau, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải... qua quá trình sản xuất - kinh doanh.

“Các KCN cần thu hút được các ngành công nghiệp riêng biệt theo cách tiếp cận cụm công nghiệp để tạo lợi thế cạnh tranh dựa trên các trao đổi về nguyên vật liệu, năng lượng, nước, hoặc phụ phẩm”, ông Trung nói. Đây chính là mục tiêu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hướng tới.

Tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, phải tập trung phát triển mô hình KCN sinh thái, đồng thời xây dựng các KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định, như các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, các ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hay hoạt động R&D, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Tương tự sẽ dự kiến phát triển một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương…

Việc thí điểm thành lập các KCN dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất; hay phát triển các KCN chuyên sâu dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang từng bước được thực hiện.

Theo kế hoạch, khi việc tổng kết 30 năm phát triển mô hình KCN, KKT được tổ chức vào cuối năm nay, thì các mô hình KCN mới sẽ chính thức được đề xuất và có cơ chế, chính sách để phát triển. Làm được như vậy, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn, đúng định hướng chiến lược đề ra...


Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Nguồn
Link bài gốc

https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/lan-song-dau-tu-dich-chuyen-mo-huong-moi-phat-trien-bat-dong-san-cong-nghiep-253677.html