leftcenterrightdel
Một trong những người bị giả mạo chữ ký trong hợp đồng dịch vụ với VIETRANS trao đổi với phóng viên. 

Đáy bể mò kim…

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc về việc hàng loạt hợp đồng dịch vụ được Công ty Cổ phần Giao nhận Kho vận Ngoại thương (gọi tắt là VIETRANS) lập khống, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền Nhà nước.

Nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người, có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của Nhà nước bởi VIETRANS là doanh nghiệp có trên 99% vốn Nhà nước, Ban Biên tập Báo GD&TĐ đã chỉ đạo phóng viên đến gặp những người lao động có tên trong hợp đồng để xác minh, củng cố tài liệu, có thông tin chính xác trả lời công luận và cung cấp cho cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo quy định pháp luật.

Phóng viên GD&TĐ đã tìm về các địa phương như Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh... với những thông tin cá nhân sơ sài, địa chỉ thường trú chỉ là xã, phường mà không có địa chỉ cụ thể để tra cứu, rà soát thông tin những “lao động Nhà nước” tại các bản hợp đồng của VIETRANS.

leftcenterrightdel
Anh T.V.H tỏ ra khá tức giận khi bị giả mạo chữ ký. 

Với những bản hợp đồng có thông tin rõ ràng, công tác tìm kiếm có phần thuận lợi. Nhưng với một số bản hợp đồng chỉ có thông tin cá nhân, không bản photo chứng minh thư nhân dân thì công tác tìm kiếm trở nên khó khăn hoặc không có kết quả.

Thậm chí, có những bản hợp đồng không có bản photo chứng minh thư nhân dân đi kèm, đến nay lực lượng công an vẫn chưa thể rà soát, tìm ra địa chỉ cụ thể của những người đó. Điều này đặt ra nghi vấn, những người có tên trong bản hợp đồng chỉ là “ảo”(!).

Cũng có nhiều trường hợp, mặc dù tìm được nhà, nhưng họ đang đi làm việc tại địa phương khác. Do vậy, phóng viên phải xin số điện thoại của người nhà đế liên hệ và tìm gặp…

Sống trong sợ hãi!

Qúa trình xác minh, tiếp xúc với phóng viên, hầu hết những người có tên trong hợp đồng đều tỏ ra bất an, lo sợ họ sẽ bị rơi vào vòng lao lý…

Địa chỉ đầu tiên mà phóng viên tìm đến là nhà anh Đ.X.H (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), tiếp phóng viên là anh trai và chị dâu của anh H., vì anh này đang đi lái xe giao hàng. Khi nghe phóng viên nói về sự việc xảy ra từ năm 2017, anh H. có ký hợp đồng dịch vụ với VIETRANS và đăng ký tờ khai thuế thu nhập cá nhân, anh trai của anh H. tỏ ra vô cùng bất ngờ đi kèm lo lắng.

Bởi theo anh này, năm 2017 anh H. đang làm việc tại địa phương, không hề đi làm xa, cũng không ký bất cứ hợp đồng dịch vụ nào với VIETRANS. Lo sợ em mình vi phạm pháp luật, anh trai của anh H. đã liên tục gọi điện thoại cho em về để trao đổi với phóng viên.

leftcenterrightdel
Anh trai của anh Đ.X.H bàng hoàng khi thấy tên em trai mình trong bản hợp đồng với VIETRANS. Ảnh cắt từ clip
 

Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, anh H. có mặt ở nhà, khi thấy phóng viên, anh H. tỏ ra rất lo sợ khi nhìn thấy bản hợp đồng và tờ đăng kí thuế thu nhập cá nhân cùng loạt giấy tờ khác có chữ ký của mình. Anh H. liên tục khẳng định mình không ký bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào như vậy, chữ ký trên các giấy tờ này cũng không phải chữ ký của anh.

Để động viên tinh thần anh H., phóng viên đã đề nghị anh này tới trụ sở Công an xã để làm rõ vấn đề. Tại đây, có mặt của cán bộ Công an xã, anh H. đã ký tên mình để đối chiếu với chữ ký trên các giấy tờ, hợp đồng kia là giả mạo. Về bản photo chứng minh thư, anh H. lo lắng nói: “Em không biết tại sao họ lại có bản photo chứng minh thư nhân dân của em. Tấm ảnh trong bản sơ yếu lý lịch cũng không phải ảnh của em”.

Tương tự như anh H., chị N.T.N. ở Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) vô cùng bàng hoàng khi được phóng viên cho xem bản hợp đồng và hàng loạt giấy tờ có chữ ký và thông tin cá nhân của chị.

Chị N. khẳng định: “Tôi chưa bao giờ đi làm ở đâu cả. Từ trước đến nay tôi chỉ làm việc ở nhà, tôi cũng chưa bao giờ ký hợp đồng nào với công ty này cả (VIETRANS – PV). Các chữ ký trên các giấy tờ này cũng không phải chữ ký của tôi. Ảnh trên Bản Sơ yếu lý lịch không phải là của tôi. Tôi không biết họ lấy bản photo CMTND của tôi ở đâu”.

Sau nhiều ngày ở Hà Nội và Bắc Ninh gặp gỡ những người có tên trong các bản hợp đồng với VIETRANS, phóng viên tiếp tục di chuyển đến tỉnh Thái Bình, đây là địa phương có rất nhiều người có tên trong các bản hợp đồng của VIETRANS. Địa bàn đầu tiên phóng viên tìm đến là xã Nam Hải, huyện Tiền Hải.

Tại đây, phóng viên đã vào UBND xã Nam Hải để nhờ lãnh đạo và lực lượng công an xã giúp đỡ tra cứu thông tin của những người có tên trong hợp đồng. Sau khoảng 1 tiếng rà soát, phóng viên được một đồng chí trị an viên dẫn đến nhà của những người có tên trong bản hợp đồng với VIETRANS.

leftcenterrightdel
Ông T.V.V và vợ vô cùng lo sợ vi phạm pháp luật vì bị giả mạo chữ ký. 

Nhà đầu tiên mà phóng viên đến là gia đình ông T.V.V., khi được phóng viên cung cấp bản hợp đồng có chữ ký và thông tin cá nhân của mình, ông V., đã tỏ ra luống cuống và sợ hãi. Ông V. luôn miệng phủ nhận chữ ký trên bản hợp đồng không phải của ông, ông cũng chưa bao giờ ký bất cứ hợp đồng nào với VIETRANS.

“Thông tin cá nhân trên bản hợp đồng đúng là của tôi, chứng minh thư nhân dân photo cũng là của tôi. Chỉ duy nhất chữ ký chắc chắn không phải của tôi…” – ông V. nói.

Ngoài những trường hợp nêu trên, rất nhiều người khác mà phóng viên gặp gỡ đều có chung cảm xúc lo sợ, bàng hoàng và rất tức giận khi thông tin của mình bị đưa vào các bản hợp đồng của VIETRANS với chữ ký bị giả mạo. Tất cả những người mà phóng viên gặp gỡ, chia sẻ đều mong muốn được Báo GD&TĐ đồng hành, bảo vệ họ và phối hợp với cơ quan Công an làm rõ vụ việc này.

 Chính quyền và công an các địa phương đều có chung quan điểm cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ vụ việc này để ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Nạn nhân và gia đình họ sau khi ký xác nhận không liên quan đến những bản hợp đồng “ma quái” do công ty VIETRANS lập ra. Đồng thời họ cũng khẩn thiết đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc xử lý những người liên quan.

Theo giaoducthoidai.vn
Nguồn
Link bài gốc

https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/vu-vietrans-co-dau-hieu-chiem-doat-tien-nha-nuoc-noi-bat-an-sau-nhung-ban-hop-dong-ma-quai-BasPHk5Mg.html?fbclid=IwAR2REIAvM1PbOqCidBA_HA9bKJSTNqq9vPC_oe1RaXGYcIlxKC7eaTkPVAc