leftcenterrightdel
Trụ sở VIETRANS tại 15 Bis Lý Nam Đế. Ảnh: IT 

Bỗng nhiên thành… người Nhà nước!

Báo GD&TĐ nhận được đơn phản ánh của ông B.V.N đang công tác tại Công ty Cổ phần Giao nhận Kho vận Ngoại thương (gọi tắt là VIETRANS) về hàng loạt sai phạm của ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng Giám đốc VIETRANS trong công tác tài chính cũng như công tác tổ chức cán bộ.

Theo phản ánh của ông N., trong công tác tài chính ông Khánh đã lập hàng loạt hợp đồng dịch vụ khống với mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng đối với mỗi hợp đồng, nhằm mục đích giải ngân tiền của công ty để chiếm đoạt cá nhân.

Cụ thể, các hợp đồng được ông Khánh lập ra với hầu hết là hợp đồng dịch vụ xác định thời hạn, khoảng hơn 2 tháng đối với mỗi hợp đồng. Người lao động sau khi ký hợp đồng này sẽ được ông Khánh phân công làm việc tại Phòng Kinh doanh Xây dựng của VIETRANS;

Theo đó, chức vụ, cương vị mà người lao động đảm nhận chủ yếu là công nhân, thợ xây, thợ nề… Thời gian tối thiểu làm việc là 8 giờ/ngày - 40 giờ/tuần. Người lao động trong các hợp đồng này đến từ nhiều địa phương khác nhau.

Tại bản hợp đồng này, người lao động sẽ được hưởng mức lương trọn gói từ 7-9 triệu đồng, bao gồm tất cả các loại phí như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… và các loại phí phát sinh khác.

Đáng lưu ý là khi được ký hợp đồng, người lao động còn được cấp phát những vật dụng cần thiết để làm việc như: Văn phòng phẩm, tài liệu… phù hợp với nhu cầu công việc. Ngoài ra, người lao động cũng được trang bị bảo hộ khi làm việc gồm: Được cấp phát văn phòng hàng năm (nếu công ty có nguồn) và các trang bị bảo hộ khác khi cần thiết…. Hợp đồng dịch vụ này được lập thành hai bản: VIETRANS giữ 1 bản và người lao động giữ 1 bản.

Không chỉ lập khống hợp đồng, ông Khánh còn chỉ đạo lập khống các tờ khai đăng kí thuế thu nhập cá nhân, sơ yếu lý lịch, Bản cam kết… của những người có tên trong hợp đồng…

leftcenterrightdel
Một trong những bộ hợp đồng đã được Báo GD&TĐ xác minh bị lập khống. 

Sau khi nhận được phản ánh và các bản hợp đồng, PV Báo GD&TĐ đã khẩn trương vào cuộc xác minh. Lần theo thông tin cá nhân của những người lao động trong bản hợp đồng ký với VIETRANS, PV đã tìm đến nhà của một số người lao động để ghi nhận về việc họ có ký hợp đồng nào với VIETRANS như phản ánh hay không?

Bàng hoàng, lo sợ và bức xúc là tâm trạng của hàng chục trường hợp khi PV tiếp xúc, họ không hiểu tại sao VIETRANS lại có thông tin cá nhân của mình để đưa vào bản hợp đồng như vậy. Những chữ ký trên các hợp đồng đều được những người này cho biết, không phải chữ ký của họ và họ cũng chưa bao giờ ký một bản hợp đồng nào như vậy.

Những chữ ký trên Hợp đồng dịch vụ, Tờ khai thuế thu nhập cá nhân, Sơ yếu lý lịch, Bản cam kết… mà VIETRANS lập ra đều được những người này khẳng định, không phải chữ ký của họ và họ cũng chưa bao giờ ký một bản Hợp đồng nào như vậy. Họ cũng chưa từng lập tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân, họ cũng chưa bao giờ cam kết hay nộp bản Sơ yếu lý lịch cho VIETRANS...

“Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ đi làm cho một công ty nào cả. Tôi chỉ làm việc đồng áng tại quê. Chưa bao giờ đi làm xa. Tại sao họ lại có chứng minh thư nhân dân của tôi rồi giả chữ ký của tôi nữa” - ông L.Đ.Â., một người bị VIETRANS ký hợp đồng nói.

Tương tự như ông Â., anh N.P.T một người cùng thôn với ông Â., hoảng hốt khi được chúng tôi đưa ra bản hợp đồng với thông tin cá nhân, chữ ký tên mình, anh T., bức xúc nói: “Từ trước đến nay, tôi là lao động tự do tại quê, chưa bao giờ ký bất cứ hợp đồng nào với Công ty có tên như trong hợp đồng. Chắc chắn chữ ký của tôi đã bị người ta giả mạo. Tôi cũng không hiểu họ làm cách nào lại có được thông tin cá nhân của tôi để đưa vào hợp đồng như vậy”.

leftcenterrightdel
Ông L.Đ. khẳng định bị giả mạo chữ ký trong bộ hợp đồng dịch vụ với VIETRANS. Ảnh cắt từ clip 

Còn chị Đ.Q.M., một người có tên trong bản hợp đồng do VIETRANS lập ra, cũng tỏ ra bức xúc khi biết mình bị “lấy cắp” thông tin cá nhân. Chị nói: “Năm 2017, thời điểm VIETRANS lập hợp đồng dịch vụ khống này, tôi đang là sinh viên thì làm sao có thể đi làm nghề thợ nề được. Tôi đâu có biết làm xây dựng. Tôi sẽ kiện người mạo danh chữ ký của tôi và lấy thông tin cá nhân của tôi”.

Cũng giống với các trường hợp nêu trên, chúng tôi tìm về thôn của 2 người lao động có tên trong bản hợp đồng là anh Đ.X.H và N.V.N, thì gia đình và bản thân 2 anh này đều khẳng định từ trước đến nay các anh chưa bao giờ ký bất cứ một hợp đồng nào với VIETRANS. Thậm chí, 2 anh này cũng lần đầu nghe tên Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương.

“Chữ ký của tôi đã bị làm giả, thời điểm trên hợp đồng có chữ ký của tôi là ngày 25/6/2017, tôi đang đi làm công nhân tại quê” – anh Đ.X.H nói.

leftcenterrightdel
Anh Đ.X.H rất bức xúc khi biết bị giả mạo chữ ký. 

Còn bố mẹ anh N.V.N thì khẳng định, năm 2017, anh này đang là lái xe ở gần nhà, không ký hợp đồng với công ty nào và chữ kí trên hợp đồng theo anh N. cũng không phải là do anh ký.

Như vậy, số tiền mà VIETRANS trả lương cho người lao động theo những hợp đồng dịch vụ được ký khống đã rơi vào túi ai (?) khi tất cả những người mà PV gặp gỡ đều khẳng định họ chẳng nhận được một đồng nào từ công ty này. Đối chiếu với mức lương tại các hợp đồng này, bình quân mỗi người lao động sau khi hoàn thành thời gian làm việc hơn 2 tháng theo hợp đồng sẽ nhận khoản tiền lương là trên dưới 20 triệu đồng, tùy người.

Với những hợp đồng mà PV Báo GD&TĐ đã xác minh được, có thể khẳng định đã có nhiều trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng tiền Nhà nước đã bị chiếm đoạt, vậy số tiền này đã rơi vào túi ai? Ai là những người hưởng lợi sau những bản hợp đồng khống này?.

Dư luận và những người bị giả mạo chữ kí trong các hợp đồng khống đều đặt câu hỏi, VIETRANS là doanh nghiệp có 99,4646% vốn Nhà nước hiện do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Phải chăng những người lập ra hàng loạt hồ sơ khống như vậy nhằm mục đích chiếm đoạt tiền nhà nước(?).

Lạm quyền điều chuyển cán bộ?

 Ngoài những sai phạm của những cá nhân trong công tác tài chính, ông N. còn cho biết, ông Khánh đã lợi dụng chức vụ khi ra quyết định luân chuyển, điều động, sa thải lao động đối với nhiều cán bộ trưởng phòng, phó trưởng phòng.

Theo ông N., những người bị lãnh đạo VIETRANS điều chuyển đều là những cán bộ có năng lực, chuyên môn giỏi nhưng lại bị “lưu đày” trái với quy định khiến rất nhiều cán bộ, nhân viên của đơn vị này bức xúc, lo sợ!?

Cụ thể, đối với ông N., khi ông này đang là Phó Trưởng kho VIETRANS Hà Nội, thì ngày 14/8/2020 nhận được Quyết định cho tạm thôi giữ chức vụ do ông Ngô Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc công ty ký với lý do để tập trung xử lý dứt điểm tồn tại tài chính có liên quan. “Mặc dù, tôi không vi phạm kỷ luật, tôi làm công tác quản lý kho nhưng lại lấy lý do tạm thôi chức vụ để xử lý tồn tại tài chính là hoàn toàn vô lý” – ông N. cho hay.

Cũng theo ông N., không chỉ cá nhân ông bị cho tạm thôi giữ chức vụ một cách vô lý, mà bà Nguyễn Thị Minh Lượng - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, ông Bùi Quốc Thịnh – Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Giao nhận Kho vận Ngoại thương – Xí nghiệp Dịch vụ Xây dựng Ngoại thương kiêm Trưởng phòng Hành chính quản trị cũng đều bị ông Khánh ra quyết định cho thôi tạm giữ chức vụ một cách bất thường khi không có vi phạm hay bị kỷ luật.

Điều đáng nói, sau khi ra quyết định cho những người nói trên tạm thôi giữ chức vụ, ông Khánh đã ban hành quyết định tạm điều động và bổ nhiệm hàng loạt nhân viên lên giữ chức vụ phó phòng, phó trưởng kho rồi giao những người này phụ trách phòng, kho. Cụ thể, là bà Trịnh Thị Như – Nhân viên phòng pháp chế đối ngoại giữ chức vụ Phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ; bà Nguyễn Thị Thúy An – nhân viên Phòng Logistics Quốc tế giữ chức vụ Phó trưởng phòng này.

“Những việc làm nêu trên của ông Khánh đã khiến chúng tôi vô cùng bức xúc, ông Khánh đã lạm dụng chức vụ để ban hành những quyết định thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín và công việc của chúng tôi” – ông N. cho hay.

Không chỉ ông Khánh, ông N. còn cho biết, ông Ngô Anh Tuấn dù đang là Phó Tổng Giám đốc VIETRANS, nhưng vẫn góp vốn thành lập Công ty CP Xuất khẩu ngoại thương VIETRANS có vốn điều lệ 60 tỷ đồng và giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. “Chúng tôi cho rằng, ông Tuấn không thể vừa quản lý công ty có vốn Nhà nước lại mở công ty tư nhân như vậy. Có hay không việc ông Tuấn dùng tiền của VIETRANS để mở công ty riêng” – ông N. đặt câu hỏi.

Có dấu hiệu tham ô tài sản?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Nếu các thông tin phóng viên Báo GD&TĐ cung cấp được xác định là đúng sự thật, ông Nguyễn Văn Khánh – Tổng giám đốc của VIETRANS đã ký những hợp đồng dịch vụ khống với các lao động, nhưng thực tế người lao động không biết và không làm việc theo các hợp đồng này để chiếm đoạt tiền của công ty thì có dấu hiệu của hành vi "tham ô tài sản”.

“Bởi lẽ, ông Khánh là người có chức vụ quyền hạn trong việc ký kết hợp đồng, quyết định mức lương và việc chi trả lương cho những lao động được ký dịch vụ. Vì vậy, cơ quan công an cần vào cuộc để rà soát, kiểm tra các hồ sơ của người lao động, các hợp đồng dịch vụ nêu trên có đúng sự thật hay không? Cần làm rõ việc ông Khánh cùng với ai thông đồng để lập và phê duyệt các hợp đồng nêu trên? Và nguồn tiền khi thanh toán được thực hiện ra sao? ai là người được nhận?” - Luật sư Tùng cho hay.

Liên quan đến vấn đề điều chuyển công tác của VIETRANS, Luật sư Tùng phân tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời điều chuyển người lao động làm công việc trái nghề chỉ trong hai trường hợp: Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện nước hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Thời hạn người lao động làm công việc khác theo sự điều chuyển của người sử dụng lao động “không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động”.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: “Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động, thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.”

Khoản 2 Điều 31 Bộ luật Lao động cũng quy định : “Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc…”

“Như vậy, việc điều chuyển lao động cần phải tuân thủ theo quy định và thời gian nêu trên. Việc đột ngột tạm bị cho tạm thôi giữ chức vụ, điều động luân chuyển mà không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 31, và không có sự đồng ý của người lao động, thì việc ra quyết định tạm thôi giữ chức vụ và điều động luân chuyển, là không đúng quy định của pháp luật. Người lao động có quyền khiếu nại quyết định nêu trên hoặc khởi kiện ra Tòa án” - Luật sư Tùng nêu quan điểm.

Liên quan đến những hợp đồng bị lập khống, có chữ ký của ông Nguyễn Văn Khánh – Tổng Giám đốc VIETRANS, Báo GD&TĐ sẽ chuyển đến Cơ quan CSĐT của Bộ Công an để đề nghị làm rõ theo quy định.

Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Người phạm tội tham ô tài sản, tùy vào mức độ phạm tội sẽ phải chịu hình phạt tù thấp nhất là 2 năm, cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu các hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Theo giaoducthoidai.vn
Nguồn
Link bài gốc

https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/can-lam-ro-viec-lanh-dao-vietrans-ky-khong-hop-dong-lao-dong-chiem-doat-tien-nha-nuoc-QBl6wqKGg.html?fbclid=IwAR3xoQTCic_DX0M6TJodQTvHoq1HnODBewlH7G6CAXUNVKLwA0Hz8lsI6tQ