Giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, giá gạo Việt Nam đang đứng đầu thế giới. Trong phiên giao dịch hôm qua (18/8), theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 628 USD/tấn.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo - thu về 2,62 tỷ USD, tăng hơn 20% về lượng và tăng 31,4% về giá trị so với cùng kỳ.
Ngoài loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và gạo 25% tấm của cả hai nguồn cung chính này tuy có giảm 10 - 20 USD/tấn, nhưng vẫn ở mức cao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 719.000 tấn, tương đương 413 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% về tổng lượng và 16% về tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
|
|
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, trong suốt gần một tháng qua, giá gạo nhiều nơi tăng mạnh. Ảnh minh họa. |
Nông dân và thương lái găm hàng chờ giá
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo của Việt Nam cao so với mặt bằng chung của thế giới không hoàn toàn là lợi thế, chưa nói là bất lợi.
Trao đổi với báo Công Thương, ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, "với các ngành hàng nông sản khác, thông thường doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên, với ngành hàng gạo lại có chút khác biệt" tại Việt Nam, chỉ khoảng 3,5 tháng/vụ lúa, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung liên tục được lấp đầy. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường tính chuyện đường dài.
Ông Có cho biết thêm, doanh nghiệp xuất khẩu thường ưu tiên bán hàng cho thị trường truyền thống có tính ổn định, thanh toán nhanh và giá bán tương đồng với các nhà cung cấp khác. Sau khi cung cấp đủ cho các đối tác lâu năm, doanh nghiệp gạo mới tính đến các thị trường mới, giá cao.
“Những khách trả giá cao cũng có thể là những khách hàng chỉ mua một lần, thị trường mới sẽ kèm theo rủi ro về thanh toán, lừa đảo thương mại”, ông Phạm Văn Có chia sẻ.
Trước tình hình biến động của thị trường trên thế giới, các chuyên gia khuyến nghị, khi gạo Việt đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt càng cần bình tĩnh. Bởi lẽ, mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn về một phía, một khía cạnh.
Trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được. Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Do vậy, nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để vụ mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay. Giữ chữ "tín" cũng là việc đặt lên hàng đầu lúc này.
Thông tin thêm trên báo Thanh Niên, các chuyên gia thị trường lúa gạo cho biết, thời gian qua giá gạo tăng quá cao khiến thị trường không thể chấp nhận, ngưng giao dịch. Tại Việt Nam cũng như Thái Lan xảy ra cùng tình trạng là nông dân và thương lái găm hàng chờ giá tăng thêm. Trong khi đó, giá tăng quá cao khiến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đàm phán giao nhận hàng chậm từ 3 - 5 tháng. Trên thực tế, gạo là mặt hàng phục vụ chính cho đối tượng khách hàng phổ thông nếu giá tăng quá cao sẽ rất khó tiêu thụ. Đó là lý do vì sao giá gạo mới chỉ sốt khoảng 2 tuần đã quay đầu giảm.
"Nhu cầu tiêu thụ vẫn cao cho đến đầu năm 2024 do ảnh hưởng của El Nino khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên giá gạo có thể giảm thêm một ít so với thời điểm hiện tại thì cung cầu mới gặp nhau", một chuyên gia lúa gạo ở Tp.HCM cho biết.
Giá gạo tại Tp.HCM trong khoảng một tháng qua liên tục tăng theo giá xuất khẩu. Trước diễn biến giá gạo ở trong nước những ngày qua, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM có văn bản gửi các Đội Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đầu tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, bảo đảm mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. |