Thời gian vừa qua, TP. Hà Nội liên tục vướng vào “ồn ào” bởi việc phá dỡ tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực, hay việc hối thúc xử lý vi phạm tại mương Phan Kế Bính và Nghĩa Đô theo kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực – Trương Hòa Bình, trong đó, 8B Lê Trực được xử lý thế nhưng hàng loạt vi phạm “khủng” tại mương Phan Kế Bính và Nghĩa Đô vẫn còn…

Từ thực trạng trên, dư luận không khỏi quan ngại khi nhìn về những sai phạm đang tồn tại trên hành lang thoát lũ tại khu tập thể F361, đường An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ… Chính quyền địa phương mặc nhiên im lặng trước chỉ đạo, cũng như văn bản đôn đốc của các cơ quan chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền cấp trên.

leftcenterrightdel
 Liệu những sai phạm đang diễn ra trên hàng lang thoát lũ tại quận Tây Hồ có trở thành một vụ mương Phan Kế Bính thứ hai? - Ảnh: Một căn biệt thự được cho là vi phạm tại ngõ 9 khu tập thể F361, phường Yên Phụ (Gia Nguyễn/DĐDN)

Vậy có hay không việc: đất ông – ông không xử lý đang tồn tại? Đáng nói, ngoài những biệt thự khủng tại hành lang thoát lũ thì hàng loạt những sai phạm trên đất nông nghiệp cũng được UBND phường Tứ Liên, UBND quận Tây Hồ “bưng bít” bằng cách “im lặng” để đánh “chìm xuồng” dư luận…

Nhìn thực trạng đang diễn ra tại quận Tây Hồ hiện nay, chẳng khác mấy so với bài học nhãn tiền mương Phan Kế Bính.

Tại Thông báo số 609/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực - Trương Hòa Bình trong cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng,… nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, việc UBND TP. Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực - Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Không chỉ vi phạm chiếm dụng hành lang thoát lũ xây nhà "khủng", tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ hàng loạt các công trình nhà ở kiên cố được xây dựng trên đất nông nghiệp - Ảnh: Một căn nhà được cho là vi phạm tại ngõ 35/76 An Dương (Gia Nguyễn/DĐDN)

Tính từ 2017 đến nay, đã 4 lần Phó Thủ tướng có chỉ đạo liên quan đến sai phạm tại dự án cống hóa 2 mương thoát nước Phan Kế Bính và Nghĩa Đô, thế nhưng, thực trạng vẫn đâu vào đó, những vi phạm chính vẫn ngang nhiên tồn tại.

Nhìn từ mương ra tới vùng thoát lũ sông Hồng, dư luận lại vô cùng quan ngại, nếu hiện trạng chiếm dụng hành lang thoát lũ xây dựng biệt thự “khủng” không được xử lý, đến khi vào cuộc lại lòi ra hàng loạt những giấy tờ hợp thức hóa như mương Phan Kế Bính thì trách nhiệm thuộc về ai?

Có chăng lại loay hoay nhiều năm trời trong “nhức nhối” mà không thể cắt bỏ khối “ung nhọt”, và thật nghịch lý, trên chính đất công ích của Nhà nước, đối với các công trình vi phạm lại phải lên phương án bồi thường.

Trong khi đó, ngay tại quận Tây Hồ, nếu những vi phạm tại phường Yên Phụ và phường Tứ Liên được thanh tra công khai, liệu có một mương Phan Kế Bính thứ hai?

leftcenterrightdel
 

Xin được nhắc lại, trước đó, những vi phạm tại hành lang thoát lũ thuộc khu vực khu tập thể F361 chỉ là những nhà tôn, chòi tạm, thế nhưng sau cuộc ra quân xử lý trả lại mặt bằng sạch không vi phạm, lại mọc ra hàng loạt những vi phạm “khủng” hơn, mà đến nay, mặc dư luận thông tin, phản ánh, mặc ý kiến chỉ đạo, đôn đốc của cấp trên và đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng, tình trạng đất ông – ông không xử lý, vẫn đang được UBND quận Tây Hồ áp dụng.

Thượng tôn pháp luật ở đâu? Vai trò, trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Liệu thực trạng tại quận Tây Hồ và sự “thờ ơ” của chính quyền có biến hàng loạt sai phạm đang tồn tại giống như bài học nhãn tiền mương Phan Kế Bính?

Xin được chỉ ra, ngoài những ồn ào về việc xây dựng trên hành lang thoát lũ tại phường Yên Phụ thì tại phường Tứ Liên, hiện trạng xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp cũng được diễn ra một cách công khai, rầm rộ, thách thức dư luận, chưa kể đến hàng loạt các vi phạm trong quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại quận Tây Hồ.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn
Link bài gốc

https://enternews.vn/tu-muong-phan-ke-binh-thap-thom-vi-pham-tai-song-hong-180838.html#