Như số báo trước đã thông tin, nhân viên của Công ty CP Tập đoàn ONEsGROUP (Chi nhánh tại tầng 1, tòa nhà HL Tower, Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) có biểu hiện câu kéo khách hàng tham gia ký hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ", trong khi mọi thông tin về dự án nghỉ dưỡng Dragon Valley, doanh nghiệp này đưa ra rất mập mờ, hợp đồng lại không được công khai, chỉ khi khách hàng phải chi tiền đặt cọc (không được lấy lại nếu không ký và thực hiện hợp đồng) mới được xem.
Trong số báo này, phóng viên tiếp tục thông tin những điều khoản khó hiểu trong bản "Thỏa thuận nguyên tắc lợi nhuận" với khách hàng mà PV thu thập được.
Với vai khách hàng, sau khi đã đặt cọc, PV không được đọc kỹ các điều khoản mà các nhân viên của công ty này chỉ đưa cho PV xem và ký trong thời gian rất ngắn rồi thu lại các bản. Nhân viên giải thích: Đó là "vấn đề bảo mật của công ty" nên không cho ai biết trước khi xuống tiền đặt cọc.
|
|
Tin nhắn của nhân viên Onesgroup khư khư giữ không cho xem hợp đồng. |
Mập mờ pháp lý dự án nghỉ dưỡng
Sức hút khách hàng khi tham gia vào gói "tuần nghỉ hạnh phúc" là 2 dự án nghỉ dưỡng 5 sao Dragon Valley do ONEsGROUP làm chủ đầu tư, được quảng cáo là "đẳng cấp bậc nhất Việt Nam", tọa lạc ven hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Nếu tham gia gói "sở hữu kỳ nghỉ", khách hàng sẽ có quỹ phòng 1 tuần tại 1 căn hộ 5 sao trong dự án, chi phí đi lại, ăn uống, phí dịch vụ tự lo. Nếu chỉ nghe lời tư vấn, khách hàng sẽ thấy một viễn cảnh lung linh về kỳ nghỉ họ sẽ được tận hưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, khi PV tìm hiểu căn cứ pháp lý của dự án nghỉ dưỡng 5 sao Dragon Valley, nhân viên của ONEsGROUP không cung cấp được, chỉ nói "thông tin ở trên website công ty". Trên website onesgroup.vn, cái gọi là "thông tin" về dự án, như họ chỉ dẫn, cũng chỉ có một số hình ảnh mô phỏng và lời giới thiệu hoa mỹ, mà không có chứng cứ pháp lý nào thể hiện dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai:
"Dragon Valley là một trong số những thương hiệu nghỉ dưỡng hiếm hoi có dự án sở hữu hơn 10ha dự án đẹp nhất tại Hồ Tuyền Lâm. Đến với Dragon Valley Hồ Tuyền Lâm, quý khách sẽ được tận hưởng những phong cách kiến trúc độc đáo từ nhiều châu lục trên thế giới với ý tưởng "Năm Châu Hội Tụ" từ chủ đầu tư Onesgroup góp phần tạo nên những trải nghiệm độc đáo và mới lạ dành cho quý khách hàng khi đặt chân đến nơi đây. Mô hình nghỉ dưỡng du lịch thông minh tại hệ thống resort 5 sao Dragon Valley với chuỗi khách sạn cao cấp với phong cách thiết kế tinh tế đậm chất Đà Lạt vào những năm thập niên 80 mang đến khách hàng những hồi ức về một Đà Lạt tuyệt đẹp trong sương"?!
|
|
Hình ảnh mô phỏng dự án trên website onesgroup.vn. |
Về pháp lý của dự án Dragon Valley, PV đã liên hệ với UBND tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu và sẽ có câu trả lời cho bạn đọc trong số báo sau. Tuy nhiên, cứ theo như hợp đồng ONEsGROUP đã ký và thu tiền khách hàng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ này thì công ty này đã vi phạm Luật Du lịch và Khoản 6, Điều 17 Luật Doanh nghiệp về các hành vi bị nghiêm cấm. Hay nói cách khác, việc ký kết hợp đồng, thu tiền của người tiêu dùng khi chưa đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú, chưa có dịch vụ lưu trú để cung cấp cho người tiêu dùng, "bán" cái chưa có cho người tiêu dùng là công ty ONEsGROUP hoạt động bất hợp pháp!
|
|
Thư xác nhận thanh toán Onesgroup gửi qua email cho PV. |
Treo "đầu dê", bán cái "được chăng hay chớ"…
Trong hợp đồng, Công ty còn ghi: "Trường hợp kết thúc thời hạn cam kết (sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ- PV), nếu khu nghỉ dưỡng Dragon Valley đã chính thức khai trương và đủ điều kiện đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật, bên mua sẽ được hưởng quyền hưởng dụng tại khu nghỉ dưỡng Dragon Valley… Trường hợp kết thúc thời hạn cam kết nhưng chưa đến thời điểm khu nghỉ dưỡng Dragon Valley chính thức hoạt động, bên mua sẽ được sử dụng quyền hưởng dụng và toàn bộ các quyền hưởng lợi khác tại các khu nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động theo quy định của hợp đồng Tuần nghỉ hạnh phúc".
Theo các chuyên gia phân tích, điều khoản này hoàn toàn có lợi cho chủ đầu tư. Nghĩa là, dự án nghỉ dưỡng Dragon Valley này có đi vào hoạt động hay không, thậm chí, có thật hay chỉ là trên giấy, thì phía Công ty vẫn giữ nguyên được quyền lợi. Còn bị "đặt đâu, ngồi đấy", quyền lợi của khách hàng được chăng hay chớ khi đã xuống tiền. Như thế, việc khách hàng có được hưởng hay không kỳ nghỉ dưỡng này tại căn hộ đúng theo ý muốn còn tùy thuộc vào tiến độ của dự án và sự sắp đặt của chủ đầu tư.
|
|
Thỏa thuận nguyên tắc lợi nhuận có nhiều điều khoản không có lợi cho khách hàng. |
… Và buộc khách hàng cam kết vô lý
Theo lời chào hàng của nhân viên Tập đoàn ONEsGROUP, gói sở hữu kỳ nghỉ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng, mục tiêu vì khách hàng (???). Lợi ích khách hàng chưa biết sẽ được hưởng như thế nào, nhưng trong một số điều khoản hợp đồng, quyền lợi của Công ty lại được họ bảo vệ một cách triệt để.
Cụ thể là tại bản "Thỏa thuận nguyên tắc lợi nhuận" có một điều khoản rất lạ lùng là: "Bên Mua cam kết bảo mật các nội dung của Thỏa thuận nguyên tắc này và chỉ tiết lộ cho bên thứ 3 khi có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Công ty hoặc có yêu cầu hợp pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ này vẫn tiếp tục ràng buộc bên Mua ngay cả khi Thỏa thuận nguyên tắc này đã chấm dứt hiệu lực. Trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ này dẫn đến gây thiệt hại cho Công ty thì Công ty có quyền yêu cầu bên Mua bồi thường toàn bộ thiệt hại, tổn thất thực tế phát sinh cho Công ty".
Đồng nghĩa với việc khách hàng không được phát tán hợp đồng ra bên ngoài, và nếu phát hiện ra những vấn đề bất hợp lý trong hợp đồng, hoặc khi quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm, khách hàng muốn tư vấn về luật (mời luật sư), muốn thông tin lên cơ quan báo chí, hoặc khiếu nại, tố cáo lên cơ quan chức năng thì phải cân nhắc, hoặc chấp nhận "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì nếu gây thiệt hại cho Công ty, khách hàng lại phải bồi thường!
Theo Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng: Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau đây: Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng. |
Thực tế, khách hàng chỉ được hưởng gì?
Theo lời nhân viên tư vấn, sau khi ký hợp đồng với Công ty, trong 3 năm đầu, khách hàng sẽ được Công ty hỗ trợ khoản tiền "hỗ trợ dịch Covid", mỗi năm 20 triệu đồng, trả theo quý, tương đương lãi suất 12% trên tổng giá trị hợp đồng là 188.240.000 đồng, cùng với 1 gói phòng nghỉ khách sạn 5 sao 4 ngày 3 đêm miễn phí. Khoản hỗ trợ này chỉ dành cho 40 khách hàng đợt này, chứ trước kia không có.
Nhưng trong phần "Khoản tiền lợi nhuận" của bản "Thỏa thuận nguyên tắc lợi nhuận", phần hỗ trợ nói trên không được nhắc đến, mà chỉ thấy ghi: "Trường hợp Bên Mua mua … hợp đồng trở lên và đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng thì Công ty đồng ý chi trả cho Bên Mua một khoản tiền lợi nhuận được tính theo mức lãi suất là … %/năm trên giá trị của hợp đồng Tuần nghỉ hạnh phúc. Để làm rõ khoản tiền lợi nhuận là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân 10% (mười phần trăm) mà Bên Mua chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Thời hạn chi trả lãi suất là 3 (ba năm) kể từ ngày Bên Mua hoàn tất giá trị hợp đồng Tuần nghỉ hạnh phúc. Khoản tiền lợi nhuận sẽ được Công ty thông báo chi trả hằng quý đến Bên Mua".
Như vậy, bên cạnh khoản tiền lợi nhuận ghi trong hợp đồng, khách hàng có được nhận được thêm khoản "hỗ trợ dịch Covid" và gói phòng miễn phí hay không? Đâu mới là lợi nhuận thực tế mà khách hàng được hưởng?