Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức đề nghị của Chính phủ. Mức điều chỉnh áp dụng từ 1/4 đến 31/12/2022.
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau:
Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Với nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.
Tờ trình nêu rõ, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với này sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án tính toán tăng thu lĩnh vực khác, để chống thất thu ngân sách khi giảm loại thuế này.