|
|
Các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu thủ tục vay vốn ngân hàng tại một sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp. |
Khó khăn nhiều bề
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 430.588 DN nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn hai triệu tỷ đồng, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của toàn bộ DN đang hoạt động trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã ban hành khoảng 16 văn bản về các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trên cơ sở đó, thành phố đã ban hành 20 chính sách hỗ trợ DN trên nhiều lĩnh vực, nhiều chương trình hỗ trợ DN đã trở thành điểm nhấn riêng của thành phố như chương trình kích cầu đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phần lớn DN nhỏ và vừa rơi vào tình cảnh lao đao, nhất là đầu ra của sản phẩm và vốn tín dụng. Khảo sát sơ bộ của Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, có khoảng 84% số DN nhỏ và vừa của thành phố gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau. Trong đó, khoảng 40% số DN thiếu vốn sản xuất - kinh doanh; 88% bị thu hẹp thị trường; 52% số DN sẽ phải cắt giảm lao động; 76% chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước... Khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND thành phố) cũng cho thấy, nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ chưa tiếp cận được vốn ngân hàng; số DN tiếp cận được chính sách kích cầu đầu tư còn ít và phần đông DN đang thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh Cao Thị Phi Vân cho rằng, các DN nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay vốn tín dụng đắt đỏ hơn so với các DN vừa và lớn. Ðáng lưu ý, mặc dù có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản, nhưng DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.
Còn theo Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng, thủ tục xét duyệt, thẩm định ở chương trình kích cầu đầu tư còn nhiêu khê, phải qua nhiều sở, ngành; kiểm tra nhiều lần khiến DN gặp không ít phiền hà. Ở chương trình này, các cơ quan quản lý nhà nước lại xem các dự án như dự án đầu tư công nên thủ tục kéo dài, làm DN bỏ lỡ thời cơ kinh doanh. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dù đã đạt kết quả khá tốt nhưng vẫn còn rất nhiều DN không tham gia được do khó khăn về tài sản thế chấp. Trong khi đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng của thành phố lại chưa phát huy được tác dụng đối với DN không có tài sản thế chấp. Chương trình hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành ngân hàng cũng chưa linh động; thủ tục khá phức tạp; DN khó chứng minh được mức độ thiệt hại...
Cần sự thông thoáng, kịp thời hơn
Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Ðiện TP Hồ Chí Minh Ðỗ Phước Tống cho biết, DN ngành cơ khí - điện có mức lợi nhuận khá thấp so với nhiều ngành nghề khác, nên chỉ số ít DN có tích lũy hoặc đầu tư thêm bất động sản có điều kiện phát triển tốt, thuận lợi. Vì vậy, phần lớn DN trong ngành này không vay được vốn từ các ngân hàng thương mại vì thiếu tài sản thế chấp và cũng không nhận được dòng vốn từ các quỹ đầu tư. Các ngân hàng thường đẩy cái khó về phía DN, không chấp nhận tài sản thế chấp là máy móc, thiết bị. Do vậy, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn để có thể mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, hoặc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất.
Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Bùi Hữu Thêm cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ những DN nhỏ và siêu nhỏ; DN khởi nghiệp về pháp lý, nhất là pháp lý về tài sản thế chấp (để tài sản thế chấp được ngân hàng chấp nhận). Còn theo Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú Nguyễn Viết Toàn, thành phố cần có chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho các DN đầu tư chuyển đổi số, phần mềm để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của sản phẩm.
Trên bình diện chung, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, các chính sách giải cứu, hỗ trợ DN cần được triển khai kịp thời thì mới cứu được các DN đang lao đao. Cùng với đó, cần nới lỏng, thông thoáng về điều kiện và thủ tục được nhận các gói hỗ trợ. Chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và nhất là các ngân hàng thương mại cần chung tay, chia sẻ rủi ro với DN. Trong đó, các ngân hàng thương mại cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ; linh hoạt, cởi mở, đơn giản hơn trong điều kiện và thủ tục cho DN vay vốn; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án sản xuất - kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền. Bên cạnh đó, ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, cần cho phép các ngân hàng thương mại được phép cho DN vay vốn để trả lương cho người lao động (Nhà nước cấp bù lãi suất vay)...
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết, dù không có tài sản thế chấp, nhưng nếu các DN nhỏ và vừa có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính minh bạch và để ngân hàng quản lý dòng tiền thì ngân hàng cũng sẽ xem xét cho vay vốn.
Về chính sách chung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành đề xuất UBND thành phố và Trung ương điều chỉnh các quy định, quy trình liên quan thủ tục sản xuất - kinh doanh, đầu tư theo hướng cởi mở, thông thoáng, tăng tính hiệu quả và đồng bộ hơn nữa. Ðồng thời, điều chỉnh cơ chế để sử dụng hiệu quả hơn các quỹ hỗ trợ DN, quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển... Tham mưu cho thành phố xây dựng nhóm giải pháp mời gọi sự chung tay, tiếp sức của các DN, tập đoàn kinh tế lớn trong việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo hướng các bên cùng có lợi trong hợp tác đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Sở cũng sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để người dân và DN hài lòng hơn nữa khi làm thủ tục kinh doanh và đầu tư; tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN kết nối cung - cầu...