leftcenterrightdel
Bộ Công an cảnh báo ứng dụng MyAladdinz hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép. Ảnh: BCA 

Báo Lao Động nhiều lần cảnh báo

Theo các thông tin vừa được Bộ Công an phát đi, Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng phạm thành lập các công ty và thông qua các website như thienrongviet.com, otcmax.vn quảng bá nhiều thông tin không đúng sự thật về các dự án đầu tư, hứa hẹn trả lãi suất cao, hoa hồng cao nhằm huy động nhà đầu tư góp vốn theo hình thức đa cấp, sau đó không trả lãi, hoa hồng nữa và chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng này lôi kéo được hơn 10.000 nhà đầu tư nộp vào gần 500 tỉ đồng, qua đó chiếm hưởng hơn 40,3 tỉ đồng.

Trước đó ít ngày, Bộ Công an cũng chính thức phát đi cảnh báo về việc app MyAladdinz đang hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet. Bộ Công an khẳng định, cách thức hoạt động của app MyAladdinz theo hình thức trả thưởng, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công Thương cấp phép.

“Người dân, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của MyAladdinz. Do đó cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản” - Bộ Công an cảnh báo.

Các cảnh báo của Bộ Công an được phát đi sau khi Báo Lao Động liên tiếp có các loạt bài phản ánh về các dấu hiệu huy động vốn trái phép của MyAladdinz hay nguy cơ sập bẫy gọi vốn đa cấp khi tham gia đầu tư góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Meeyland. Như với Meeyland, để thực hiện cái gọi là “hệ sinh thái bất động sản”, doanh nghiệp này thực hiện kêu gọi vốn đầu tư cộng đồng thông qua việc tung ra thị trường một đơn vị ảo được định danh là Mey.

Theo đó để sở hữu Mey, nhà đầu tư phải thực hiện các bước đăng ký trở thành đối tác của Meeyland, nạp tiền và mua các gói đầu tư từ thấp nhất vài triệu đồng đến gần 500 triệu đồng đổi lấy Mey. Điều bất ngờ là dù các cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra các cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra với nhà đầu tư và người dân khi tham gia kinh doanh và đầu tư vào các dự án, mô hình hoạt động có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép, đến giữa tháng 7.2020, website huy động vốn của Meeyland đưa ra con số thống kê có gần 19.000 nhà đầu tư đã tham gia góp vốn và thực hiện trao đổi điểm Mey trên website này với giá trị vốn hóa thị trường lên đến trên 312 tỉ đồng. Đến thời điểm ngày 10.9.2020, con số này tiếp tục tăng lên thành hơn 20.280 người với hơn 33.900 lượt góp.

Cần có cơ chế phối hợp tại các địa phương

Việc các ứng dụng và website hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép theo mô hình đa cấp tồn tại trong suốt một thời gian dài với số người tham gia ngày càng tăng lên theo thời gian đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn cũng như chế tài xử lý nghiêm, nhằm tránh tình trạng người dân tiếp tục bị lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động tài chính trái phép đang có xu hướng gia tăng.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các hoạt động trái phép này, theo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với hoạt động bán hàng đa cấp không phép và hoạt động lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo tinh thần Chỉ thị số 21 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5.2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị báo chí, truyền thông trên địa bàn triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp và cảnh báo cho người dân về các hoạt động biến tướng, bất chính trong kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đáng chú ý, trong văn bản gửi các địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương khẩn trương ban hành hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 40/2018 của Chính phủ.

Thực tế theo khảo sát của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 6.2020 vẫn có đến 25 tỉnh thành chưa ban hành quy chế phối hợp này trong khi cơ chế phối hợp tại 6 tỉnh thành khác lại được ban hành trước Nghị định 40.

Có thể bị phạt tù 5 năm khi kinh doanh đa cấp trái phép, sai phép

Liên quan đến chế tài xử lý, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay các cá nhân, tổ chức thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (đến 100 - 200 triệu đồng) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Tương tự như cách thức hoạt động của MyAladdinz, Bộ Công Thương cho hay hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với mô hình trả thưởng dựa trên mô hình đa cấp với một số hình thức như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục hoặc kêu gọi đầu tư các dự án trong đó người đầu tư được trả thưởng theo mô hình đa cấp. Các hình thức này là hình thức bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi gặp rủi ro. “Do đó người dân cần thận trọng, tránh tham gia vào những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức này để hạn chế các rủi ro không đáng có”. N.Văn

 


Theo Báo Lao động
Nguồn
Link bài gốc

https://laodong.vn/kinh-te/huy-dong-von-da-cap-trai-phep-phai-xu-ly-nghiem-to-chuc-ca-nhan-vi-pham-835086.ldo