76% DN không cân đối được thu chi
Theo báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần thứ 2 đối với doanh nghiệp (DN) do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố, tác động của sự bùng phát dịch bệnh lần này đối với DN đặc biệt lớn với 20% DN trả lời là đã phải tạm dừng hoạt động; 76% DN cho biết hiện không cân đối được thu chi; 2% DN đã giải thể, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Khó khăn lớn nhất DN phải đối mặt hiện nay và 6 tháng tới là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; Đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), kinh phí công đoàn… Tiếp đến là trả tiền điện nước và nhiên liệu đầu vào.
Cũng theo kết quả khảo sát, có tới 76% số DN trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% DN có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ có 7% DN trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí…
Theo tính toán của Ban IV, tỷ lệ DN “biến mất” (không đăng ký thay đổi địa chỉ hay tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thuế không liên lạc được) là 4%, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này có thể là một dự báo cho thấy số lượng DN xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo sẽ tăng mạnh bởi đợt bùng phát dịch lần 2 diễn ra ở thời điểm cận cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Đồng thời, nếu số DN tạm ngừng kinh doanh này không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số DN chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.
Đặc biệt, báo cáo này lưu ý, hầu hết DN cho biết, còn khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn... Do đó, họ đã không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị. Thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi”.
Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp
Đề xuất chính sách đến Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đề nghị, trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho DN, quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ DN làm ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện. Bởi số liệu khảo sát cho thấy, nhiều DN đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”, nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.
Thay vì các chính sách hỗ trợ khi DN đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, Ban IV đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp DN tiết giảm được dòng tiền chi ra để DN cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu.
Cụ thể, Ban này đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả các DN trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội giảm tối thiểu 50% các khoản BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2020 thậm chí kéo dài sang năm 2021; Hoãn thời gian đóng so với các quy định hiện hành, vì đây là dòng tiền rất lớn trong cơ cấu chi của DN hiện tại và là một trong các khó khăn lớn nhất lúc này của DN lẫn người lao động.
Ban IV cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng…; Đồng thời cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Bên cạnh đó, Ban IV cũng đề xuất ngân hàng xem xét, mở rộng hình thức vay tín chấp để hỗ trợ DN trong nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu hoạt động; Đề xuất giảm tiền ký quỹ của các DN du lịch vì đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19…
Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần 2
Bắt đầu từ ngày hôm qua, 10/9, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tiến hành Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần 2 tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN (Cuộc điều tra lần 1 đã được tiến hành vào tháng 4/2020). Cuộc điều tra được TCTK tiến hành theo Quyết định 1369/QĐ-BKHĐT ngày 7/9/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đối tượng, đơn vị điều tra là các DN được thành lập và chịu sự điều tiết của Luật DN (không bao gồm Hợp tác xã) và đang hoạt động tại thời điểm 10/9/2020 trên phạm vi cả nước. Nội dung điều tra phân theo 5 nhóm thông tin cơ bản: (1) Nhận dạng đơn vị điều tra: tên DN, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành SXKD chính; (2) Tình hình SXKD của DN; (3) Các giải pháp ứng phó của DN trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; (4) Đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19; (5) Một số câu hỏi về năng lực cạnh tranh của DN (áp dụng cho khoảng 1000 DN được chọn mẫu điều tra).
Phương pháp thu thập thông tin trực tuyến qua bảng hỏi Web-form, điều tra viên hướng dẫn DN cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử điều tra trực tuyến của điều tra DN 2020. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 10-20/9/2020, công bố kết quả điều tra tại Họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020…
Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần 2
Bắt đầu từ ngày hôm qua, 10/9, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tiến hành Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 lần 2 tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN (Cuộc điều tra lần 1 đã được tiến hành vào tháng 4/2020). Cuộc điều tra được TCTK tiến hành theo Quyết định 1369/QĐ-BKHĐT ngày 7/9/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đối tượng, đơn vị điều tra là các DN được thành lập và chịu sự điều tiết của Luật DN (không bao gồm Hợp tác xã) và đang hoạt động tại thời điểm 10/9/2020 trên phạm vi cả nước. Nội dung điều tra phân theo 5 nhóm thông tin cơ bản: (1) Nhận dạng đơn vị điều tra: tên DN, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành SXKD chính; (2) Tình hình SXKD của DN; (3) Các giải pháp ứng phó của DN trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; (4) Đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19; (5) Một số câu hỏi về năng lực cạnh tranh của DN (áp dụng cho khoảng 1000 DN được chọn mẫu điều tra).
Phương pháp thu thập thông tin trực tuyến qua bảng hỏi Web-form, điều tra viên hướng dẫn DN cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử điều tra trực tuyến của điều tra DN 2020. Thời gian thu thập thông tin từ ngày 10-20/9/2020, công bố kết quả điều tra tại Họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020…
|