Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích diễn biến kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020, đồng thời đưa ra các dự báo về triển vọng thị trường giá cả và đề xuất các giải pháp ứng phó trong năm 2021.

Hơn 50 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh về giá cả và thị trường trong nước, nước ngoài năm 2020, nhấn mạnh những điểm sáng, làm rõ các nguyên nhân; đồng thời, dự báo xu hướng, các vấn đề đặt ra và các giải pháp cần có thích ứng với triển vọng kinh tế nói chung, giá cả và thị trường trong nước nói riêng năm 2021.
leftcenterrightdel
 Hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo 2021” 

Năm 2020, dù suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, song Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% (quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%); lạm phát dù cao nhất trong 5 năm qua, song vẫn trong phạm vi cho phép của Quốc hội đề ra. Hơn nữa, lạm phát năm 2020 mang nặng yếu tố lạm phát tiền tệ và lạm phát ngoại nhập (do xu hướng chung là nới lỏng tài chính-tiền tệ, tăng đầu tư công và chi tiêu công, hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp), giảm thiểu sức ép từ lạm phát chi phí đẩy (do giảm thuế và chi phí tài chính-tín dụng) và lạm phát cầu kéo (do tổng cầu xã hội tăng trưởng âm).


Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu hàng hóa và dịch vụ đạt 7,1 tỷ USD và là năm thứ 6, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, với mức kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020. Dù tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát; song thị trường và khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực mạnh duy trì sự tăng trưởng dương cho Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các dự báo về diễn biến thị trường giá cả trong thời gian tới. Cụ thể, các đại biểu đều nhận định CPI bình quân năm 2020 khả năng sẽ được kiềm chế do một số nguyên nhân chủ yếu như: Trong nước, đại dịch khiến nhu cầu thiết yếu giảm mạnh (tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 2%); nguồn cung hàng hóa dồi dào, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục giúp ổn định tỷ giá. Đặc biệt, Chính phủ kiên quyết thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Bên cạnh đó, ở ngoài nước đại dịch cũng khiến giá hàng hóa thế giới 2020 tăng thấp; giá dầu giảm mạnh chưa từng có...

Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhân tố khiến CPI tăng. Cụ thể, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan...) sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung-cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Theo TS. Nguyễn Công Định, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), năm 2021 dự báo thị trường hàng hóa có xu hướng tăng dựa trên triển vọng đồng USD tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn. Dự báo, các mặt hàng tăng giá tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp và các kim loại cơ bản do nguồn cung bị thắt chặt trước những bất lợi về thời tiết, khí hậu, hay trước nhu cầu về kim loại của Trung Quốc không ngừng tưng do các biện pháp kích nền kinh tế được triển khai tại quốc gia lớn này.

Trước những tác động trên, công tác điều hành giá trong năm 2021 đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt nhưng vẫn phải thận trọng. Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đề ra trong năm 2021 (chỉ tiêu CPI tăng bình quân khoảng 4%).

Theo SHTT
Nguồn
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/dien-bien-thi-truong-gia-ca-o-viet-nam-nam-2020-va-du-bao-nam-2021-d87274.html