Thị trường bưu chính đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là bưu chính gắn với thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, hoạt động TMĐT không đơn giản như các DN bưu chính đang nghĩ. Bên cạnh sự phát triển của TMĐT, thì cũng phát sinh nhiều vấn đề như hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trốn thuế đang diễn ra trên hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính, TMĐT. Và còn có một số DN đã tiếp tay cho hoạt động phi pháp, đây cũng chính là mặt trái của hoạt động bưu chính.
leftcenterrightdel
 

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính chưa được trang bị công cụ, dụng cụ hiện đại nhằm hỗ trợ kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Nhân viên bưu chính chưa được đào tạo bài bản và cũng chưa đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện, xác định hàng nhận gửi là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật. Do vậy, nhiều đối tượng vi phạm lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu có thủ đoạn tinh vi (giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng giả, chia nhỏ các chi tiết hàng hóa (súng),…) khiến nhân viên bưu điện rất khó phát hiện.

Thực tế nhiều doanh nghiệp bưu chính đã bị xử lý vì liên quan tới vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Điển hình như vụ phát hiện vật phẩm nghi là ma túy tại Trung tâm Chuyển phát nhanh phía Bắc – Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Song Bình vào ngày 18/3/2019, tại Công ty Cổ phần UPS Việt Nam ngày 19/3/2019. Hoặc vụ bưu gửi có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu… có tổng giá trị hàng hóa hơn 2,2 tỷ đồng tại kho cảng ICD Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, và Lô 14 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, có liên quan tới Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T)…

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm pháp luật trên khâu lưu thông hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 550 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm đa dạng như: Xe đẩy em bé, ghế làm việc, nồi chiên các loại, áo khoác nữ, túi xách, quần áo, đồ chơi trẻ em và mỹ phẩm các loại,…

Trên thực tế, khi các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì thông tin về địa chỉ của người gửi và người nhận hàng đều ghi địa chỉ giả, thậm chí không có người nhận hàng. Trong khi đó, các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh cho nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm. Bên cạnh đó, với loại hình dịch vụ chuyển phát COD-giao hàng thu tiền hộ được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng trực tuyến sử dụng rộng rãi, thì người thực hiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu là nhân viên giao hàng. Việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Minh Châu
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/canh-bao-tinh-trang-van-chuyen-hang-lau-hang-cam-qua-duong-buu-chinh-d141846.html