Căn cước công dân gắn chip (CCCD) là một loại giấy tờ quan trọng. Mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao triệt để lợi dụng để trục lợi. Trong đó bao gồm những thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản…
Hiện nay tội phạm công nghệ cao dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD) có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân, trong khi đó người dân lại không biết mình bị lợi dụng.
Trước tình hình đó, Công an TP Hà Nội đã triển khai một số nội d ung phòng ngừa, phân công cụ thể đến từng đơn vị chức năng.
Theo đó, các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ: đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quần chúng nhân dân biết về phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin của đối tượng; tăng cường hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý nhân hộ khẩu; xác minh làm rõ những trường hợp có biểu hiện vi phạm pháp luật trong mua bán, sử dụng trái pháp luật thông tin cá nhân.
Đối với Công an quận, huyện, thị xã: Tập trung làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND trên mạng xã hội để phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ ANTQ, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.
Trước đó, chuyên gia an ninh mạng - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cũng đã có nhiều lần lên tiếng cảnh báo vế các nguy cơ khi để lộ thông tin trên CCCD.
Theo đó, Hiếu PC cho biết, việc bị đánh cắp thông tin trên CCCD hoặc CMND là vô cùng nguy hiểm. Đơn cử nhất là việc bị lấy thông tin để đăng ký ví điện tử, sau đó lừa người khác chuyển tiền vào.
Phức tạp hơn một chút thì những kẻ này sẽ sao chép thông tin trên CMND thật để làm một phiên bản giả. Dãy số và tên nạn nhân được giữ nguyên, nhưng ảnh thẻ đã bị thay đổi. Sau đó chúng sử dụng CMND giả này để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, làm hồ sơ vay tín chấp…
Một hình thức khác cũng khá phổ biến hiện nay, đó là thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân, sau đó giả làm công an, kiểm sát viên, toà án, gọi điện để hù doạ, tống tiền… Nạn nhân dễ bị đánh lừa vì đầu dây bên kia biết tất tần tật về thông tin của chính mình.
Thậm chí, việc đánh mất thông tin trên CMND/CCCD còn khiến người dùng gặp rắc rối đến pháp luật ở quy mô lớn, thậm chí bạn cũng có thể bị cấm xuất/nhập cảnh khi các nước phát hiện bất thường.
Phải làm gì để hạn chế nguy cơ bị đánh cắp thông tin trên CCCD/CMND?
Để các thông tin cá nhân trên CCCD và CMND được bảo mật tuyệt đối trước kẻ xấu, người dân không nên đăng tải ảnh chụp các giấy tờ ccá nhân, tài sản lên mạng xã hội. Nếu cần chia các thông tin liên quan tới danh tín cá nhân với ai đó bằng các ứng dụng liên lạc trực tuyến như Zalo, Viber, Messenger… cần thu hồi sau khi nhắn để đảm bảo.
Bên cạnh đó, đối với các tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân, người dùng cũng nên tạo các phương thức bảo mật kép thông qua email và số điện thoại cá nhân.
Ngoài ra, hạn chế cung cấp thông tin về CMND/CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, không cho người khác mượng CMND/CCCD nếu không có mục đích rõ ràng.
Đồng thời, hãy tránh mua SIM số ảo, số đã qua sử dụng vì có thể những số này đã đăng ký những dịch vụ vay online không rõ ràng.
Khi bị mất CCCD, công dân cần trình báo lên cơ quan chức năng để báo mất và làm lại giấy tờ. Đồng thời phòng ngừa trường hợp số CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật thì có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự đó.
Trong trường hợp bị lừa lấy thông tin CMND/CCCD để đi vay tiền thì người dân cần nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, đồng thời liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất.
Còn trường hợp bị các đối tượng khác lợi dụng lấy số CMND hay số thẻ CCCD để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ…