Mua “đắt” hơn nhiều giá thị trường

Theo tìm hiểu quy định tại khoản 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013, đấu thầu được xác định là một quá trình lựa chọn nhà thầu để tiến hành việc ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp một trong các dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa…dựa trên cơ sở bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhiều gói thầu mua sắm cho thấy, giá thiết bị trong gói thầu thường cao hơn rất nhiều giá thị trường. Do đó, không đảm bảo về mặt kinh tế, dẫn đến nguy cơ thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đơn cử, tại gói thầu Mua sắm, lắp đặt thiết bị dự án “Trang trí nội thất phòng họp, phòng truyền thống, phòng khách và các phòng làm việc của Huyện ủy” do ông Trần Gia Khánh - Giám đốc ban Quản lý dự án (QLDA) Xây dựng và Phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) phê duyệt có dấu hiệu đội giá hàng tỷ đồng.
leftcenterrightdel
 Quyết định số 216/QĐ-BQLDA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do ông Trần Gia Khánh ký vào ngày 223/2022.

Theo đó, đơn vị trúng thầu là công ty TNHH VINA Gỗ (địa chỉ: số 185 phố Quán Tiên, đường Hùng Vương, phường Hội Hợp, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Gói thầu có giá dự toán 9.366.719.000 đồng, giá trúng thầu là 9.282.006.000 đồng, tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 84.713.000 đồng. Con số tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước sau đấu thầu chỉ đạt tỉ lệ 0,9%.

Gói thầu trên đã thực hiện đấu thầu công khai qua mạng đấu thầu Quốc gia theo quy định của luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và quy định liên quan.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ và phân tích đơn giá thiết bị trong gói thầu với giá trên thị trường với các yêu cầu kỹ thuật tương tự, phóng viên nhận thấy dấu hiệu “đội giá” nhiều thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, sản phẩm micro đại biểu (OBT 6000B) có đơn giá tại gói thầu trên là 27.600.000 đồng/chiếc, nhưng theo khảo sát của phóng viên trên thị trường sản phẩm được bán với giá 22.320.O00 đồng/chiếc, chênh lệch 5.280.000 đồng/chiếc. Với tổng số 61 chiếc, số tiền chênh lệch lên đến 322.080.000 đồng.

Bộ điều khiển trung tâm (OBT-6000) có giá tại gói thầu là 120.200.000 đồng/bộ, nhưng khảo sát của phóng viên trên thị trường, sản phẩm này có giá là 77.380.000 đồng/bộ. Như vậy, sản phẩm này chênh lệch tới 42.820.000 đồng/chiếc và tổng chênh lệch 2 bộ là 85.640.000 đồng.

Bàn ăn (VNG-BA) có giá tại gói thầu là 16.600.000 đồng/chiếc nhưng thị trường đang bán bộ sản phẩm này với giá chỉ 9.800.000 đồng/chiếc. Với số lượng 32 chiếc, tổng số tiền chênh lệch là 217.600.000 đồng.

Ghế ăn (VNG-GA) có giá tại gói thầu là 4.200.000 đồng/chiếc nhưng giá trên thị trường của sản phẩm này là 2.000.000 đồng/chiếc. Số tiền chênh lệch của 200 chiếc ghế là 440.000.000 đồng.

PV mới chỉ rà soát 57 sản phẩm, thiết bị (trên tổng số 205 sản phẩm, thiết bị trong gói thầu) tuy nhiên, gói thầu đã có dấu hiệu mua sắm cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ban quản lý nói gì?


Để có thông tin đa chiều, PV đã liên hệ tới ban QLDA Xây dựng và Phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc. Theo văn bản trả lời của ban QLDA, gói thầu đã được đăng tải công khai, minh bạch trên mạng đấu thầu Quốc gia. Trong suốt quá trình đóng, mở, mời thầu đều không có tác động làm ảnh hưởng với bất kỳ nhà thầu tham dự.

Sau khi mở thầu, có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và giá gói thầu thấp hơn giá gói thầu được phê duyệt nên phù hợp với quy định. Các sản phẩm hàng hoá thiết bị của gói thầu đã được đơn vị thẩm định giá thực hiện theo quy định trước khi phê duyệt.

Đơn vị này cho rằng, việc thẩm định giá sản phẩm, thiết bị của gói thầu chỉ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm và có hiệu lực trong một thời điểm nhất định, phù hợp với khoản 15, Điều 4, luật số 11/2012/QH13. Ban QLDA cho rằng, dự toán gói thầu trên còn bao gồm chi phí như: mua sắm, lắp đặt thiết bị, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, đào tạo, hướng dẫn sử dụng…

Thực tế theo khảo sát của phóng viên, tại thời điểm tháng 7 và tháng 8/2022 giá các sản phẩm như trong gói thầu không có sự biến động nhiều. Bên cạnh đó, đây là các sản phẩm mới, nên đều được hưởng các chính sách về bảo hành, vận chuyển, lắp đặt…theo ưu đãi vốn có nhà sản xuất và đơn vị phân phối. Do đó, lý do giải thích của ban QLDA như trên là chưa thực sự thuyết phục.

Nếu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết nối, đoàn luật sư TP.Hà Nội), hiện tại, pháp luật đã có quy định rất chặt chẽ về đấu thầu, luật về giá, thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị trúng thầu, năng lực nhà thầu và đặc biệt quy định rất rõ ràng về giá đấu thầu.
leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Theo quy định tại khoản 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013, đấu thầu được xác định là một quá trình lựa chọn nhà thầu để tiến hành việc ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp một trong các dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa…dựa trên cơ sở bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế.

Gói thầu được quy định là toàn bộ hoặc một phần của dự án, dự toán mua sắm. Trong đó, gói thầu có thể bao gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc bao gồm khối lượng mua sắm 1 lần, khối lượng mua sắm cho 1 thời kỳ áp dụng đối với mua sắm thường xuyên và mua sắm tập trung.

Giá gói thầu được xác định là giá trị của gói thầu đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư theo quy định tại khoản 16, Điều 1, luật Đấu thầu 2013. Việc tính giá thầu được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng và có đơn vị kiểm toán, thẩm định bởi đơn vị thẩm định giá tài sản.

Do đó, luật sư Hùng cho rằng, trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá có đúng hay không? Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế, trong trường hợp này cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Theo quy định, nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Theo điều 222, hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm; Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm…
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/bqlda-huyen-yen-lac-vinh-phuc-cong-tac-su-dung-von-dau-tu-cong-co-nhieu-bat-thuong-a548567.html