Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây là cuộc họp đặc biệt quan trọng sau cuộc họp trước đó vào ngày 12/10 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì, để tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung khi thị trường trong nước xáo trộn.
leftcenterrightdel
 Bộ Công Thương cho biết có 6 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nhập đủ hàng theo hạn mức được giao (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo thông tin từ cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay được Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp đầu mối (36 doanh nghiệp, trong đó có 3 đơn vị nhập nhiên liệu máy bay) là hơn 20,72 triệu m3, tấn xăng dầu các loại.

9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đầu mối nhập (từ nước ngoài, các nhà máy lọc dầu trong nước) gần 17,24 triệu m3 xăng dầu các loại (trừ nhiên liệu bay). Trong đó, số xăng nhập về đạt gần 92% tổng nguồn giao (hơn 7,47 triệu m3, tấn); dầu diesel đạt 83,5%. Dầu hoả, dầu mazut lần lượt 82,1% và 67,5% tổng nguồn Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro hay Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty xăng dầu Quân đội ... đều nhập đạt và vượt số lượng xăng, dầu diesel.

Tuy nhiên, ông Đông cũng chỉ ra một số doanh nghiệp không nhập đủ hàng tối thiểu được giao. Số này gồm Công ty TNHH sản xuất, thương mại Hưng Phát; Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (dầu diesel), Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát (xăng), Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Trước đó, đầu tháng 10, Bộ Tài chính dẫn báo cáo của hải quan cũng cho biết, lượng xăng nhập khẩu quý III/2022 giảm 35% với dầu diesel, 40% với xăng so với quý II. Và chỉ 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Thị trường trong nước vừa qua bất ổn, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhất là khu vực phía Nam, đứt nguồn cung, thua lỗ buộc phải bán nhỏ giọt, hoặc đóng cửa.

Để đủ nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến phân giao (gồm nguồn nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) khoảng 5,5 triệu m3 hoặc tấn xăng dầu, tương đương mỗi tháng trên 1,83 triệu m3.

Trong đó, gần 41% là xăng, tương đương 2,25 triệu m3 (bình quân 749.355 m3 một tháng). Còn lại, dầu diesel trên 3,13 triệu m3, bình quân mỗi tháng là hơn 1,04 triệu m3. Tổng nguồn tối thiểu với dầu hoả, mazut hơn 118.780 m3, tấn.

Mức phân giao được Bộ này thực hiện dựa trên tỉ trọng tổng nguồn đã phân cho các doanh nghiệp vào đầu năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước giấy phép vĩnh viễn của doanh nghiệp đầu mối, phân phối và kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện nhập khẩu, dự trữ theo đúng quy định.

Hiện có 17.000 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước do các địa phương cấp phép và quản lý vì thế cơ quan quản lý yêu cầu các địa phương chung tay với các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Nguyễn Thu Huyền
Nguồn Nguời đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-goi-ten-6-doanh-nghiep-xang-dau-khong-nhap-du-hang-a576581.html