Tháng 10/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua quãng thời gian giao dịch chật vật và cay đắng. Kết thúc phiên cuối cùng của tháng 10, VN-Index để thủng ngưỡng 1.030 điểm sau khi ghi nhận thiệt hại 14,21 điểm tương ứng 1,36%, còn 1.028,19 điểm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đã đánh rơi tổng cộng hơn 127 điểm trong tháng 10 vừa qua tương ứng mức sụt giảm 11%, kéo theo giá trị vốn hóa thị trường của HoSE cũng "bốc hơi" 479.664 tỷ đồng (khoảng 19,7 tỷ USD). Tại thời điểm đóng cửa tháng 10, quy mô vốn hóa HoSE ở mức 4,14 triệu tỷ đồng.

Với kết quả này, chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có diễn biến tồi tệ nhất trên thế giới.
leftcenterrightdel
 Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất trong tháng 10. Ảnh: Dân trí, nguồn: Stockq

Báo Dân trí dẫn thống kê của trang Stockq cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 10, VN-Index giảm hơn 7%, giảm mạnh thứ 3 thế giới và là thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10.

Mức sụt giảm mạnh của VN-Index từ trung tuần tháng 9 tới nay (giảm 217,3 điểm tương ứng 17,4%) đã cuốn trôi gần như toàn bộ thành quả tăng điểm của VN-Index kể từ đầu năm. Vốn hóa thị trường của HoSE kể từ đỉnh ngắn hạn đến nay đã suy giảm 840.536 tỷ đồng (34,5 tỷ USD) trong khoảng 1 tháng rưỡi.

Điểm số thị trường diễn biến bất lợi trên nền thanh khoản không ngừng bó hẹp. Trên thị trường cơ sở, từ mức thanh khoản tỷ USD hồi tháng 9, đến tháng 10 con số này đã về quanh mức 17.000 tỷ đồng (giảm hơn 30%), đặc biệt những phiên cuối tháng 10, giá trị giao dịch có những phiên về mốc 10.000 tỷ đồng.

Thực tế trên thị trường quốc tế, chứng khoán cũng trải qua tháng 10 đầy biến động. Thị trường Mỹ ghi nhận 3 tháng giảm điểm liên tiếp với Dow Jones và S&P 500 đánh rơi lần lượt 1,4% và 2,2%. Chỉ số công nghệ Nasdaq sụt 2,8% trong tháng 10 và cũng là tháng thứ 3 sụt giảm liên tiếp.

Sau VN-Index, chỉ số chính của một số thị trường khác trên thế giới cũng lao dốc mạnh như Israel (giảm 10,72%) do tác động của tình hình chiến sự ; Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 9,85%); UAE Dubai (giảm 7,8%); Hàn Quốc (7,59%); Chile (7,3%); Ireland (7,04%)…

Được biết, trong chứng khoán có thuật ngữ “Hiệu ứng tháng Mười” nhằm ám chỉ sự bất thường trên thị trường khi cổ phiếu luôn trong xu hướng giảm trong tháng 10. Giới đầu tư cảm thấy bất an bởi lịch sử cho thấy nhiều biến cố thường xảy ra trong tháng này, chẳng hạn: Hoảng Loạn (năm 1907), Ngày thứ Ba đen tối và Ngày thứ Năm đen tối (năm 1929), Ngày thứ Hai đen tối (năm 1929, 1987).

Theo Investopedia, hiệu ứng tháng Mười cho đến nay vẫn tồn tại dù không có nhiều bằng chứng thống kê chính xác. Từ góc độ lịch sử, tháng này đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ giảm giá thay vì bắt đầu và vì vậy, thích hợp cho những nhà đầu tư nào muốn bắt đáy.

Sang tới phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, VN-Index đã cho thấy tín hiệu lạc quan hơn khi lấy lại được hơn 1% qua đó góp phần giải toả tâm lý nhà đầu tư sau nhịp giảm kéo dài trước đó. Trong quá khứ, tháng 11 từng là "cơn ác mộng" đối với các "chứng sỹ" giai đoạn 2008-2016 khi VN-Index liên tục mất điểm vào tháng này.

Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường chứng khoán đã biến động "dễ thở" hơn nhiều trong tháng 11. VN-Index đã tăng 5 trên 6 năm gần nhất, đặc biệt là cú lội ngược dòng ngoạn mục trong tháng 11 năm ngoái.

Tính chung trong 23 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam, VN-Index biến động khá cân bằng với 12 lần tăng điểm và 11 lần giảm điểm. Tuy nhiên, có thể thấy mức độ biến động trong tháng 11 là tương đối mạnh với mức tăng/giảm nhiều năm trên 10%.

Cần phải lưu ý rằng, số liệu quá khứ chỉ mảng tính chất tham khảo bởi bối cảnh thị trường tại các thời điểm là khác nhau, theo tạp chí Nhịp sống thị trường.
Vân Anh (T/h)

Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-giam-diem-manh-nhat-the-gioi-trong-thang-10-a597828.html