Thanh khoản tiếp tục giảm mạnh

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (2 - 6/10) tiếp tục biến động tương đối mạnh, với các phiên tăng, giảm đan xen.

Theo tin tức chứng khoán trên báo Tin tức, phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm 2,22% so với tuần trước đó. Qua đó, chỉ số này đã có 4 tuần liên tiếp giảm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128,54 điểm; HNX-Index cũng giảm 4 tuần liên tiếp với mức giảm 2,5% trong tuần đầu tháng 10/2023 về mức 230,45 điểm.

leftcenterrightdel
 Vn-Index và giá trị giao dịch tuần từ 2/10 - 6/10. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Thanh khoản trên HOSE đạt 73.303,24 tỷ đồng trong tuần qua, giảm 21,2% so với tuần trước. Thanh khoản HNX cũng giảm 17,3% về 8.740,16 tỷ đồng. Việc thanh khoản và chỉ số cùng giảm thể hiện áp lực bán đã bớt dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tích cực ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm.

Tuần qua, nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực, khi đa số cổ phiếu vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG giảm 14,29%, CEO giảm 13,15%, DXG giảm 11,64%, DIG giảm 11,16%, NVL giảm 10,90%...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình. Cụ thể là CTS giảm 9,34%, WSS giảm 5,8%, VCI giảm 5,45%, BSI giảm 4,88%...

leftcenterrightdel
 Top 10 cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HOSE tuần 2/10 - 6/10. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu ngành chứng khoán có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý III vẫn tăng giá trong tuần qua, như BVS tăng 3,91%, SSI tăng 3,62%, PSI tăng 2,08%...

Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD tăng 13,36%, VGC tăng 9,91%, TIP tăng 7,53%, GVR tăng 3,59%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB giảm 9,92%, TPB giảm 5,88%, EIB giảm 5,01%, BID giảm 4,85%, TCB giảm 4,99%...

Những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tuần tới


Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, thị trường chứng khoán tuần tới (9 – 13/10) được dự báo chưa thể tạo biến chuyển lớn nhưng sự tích cực có thể sẽ nhiều hơn. Thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và kiểm định sức cung – cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc.

Tuy vậy, dòng tiền thông minh có thể bắt đầu nhập cuộc trong tuần tới khi chỉ số VN-Index đã giảm sâu và nhiều mã đã tạo mặt bằng giá mới; đồng thời thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ hé lộ dần.

Nhiều dự báo cho thấy, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực và là yếu tố hỗ trợ cho thị trường. Mặt bằng định giá không thực sự quá thấp, nhưng nhà đầu tư có thể xem xét cho việc giải ngân cho mục tiêu trung hạn.

Các chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại vùng 1.120 (+/-10 điểm), ưu tiên những ngành có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), nhóm đầu tư công, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán.

Còn theo chuyên gia của SHS, thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới và nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi nếu hình thành thì cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Trong trung, dài hạn thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng tăng nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.

Báo Tin tức dẫn lời chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương, tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhìn nhận, VN-Index tại vùng 1.100 điểm, thanh khoản đã ngừng giảm và ổn định trở lại kèm theo diễn biến hồi phục tích cực của chỉ số cũng như các nhóm cổ phiếu hút dòng tiền như chứng khoán, khu công nghiệp.

Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu họ Vingroup cũng có phản ứng tích cực tại vùng này.

Với các yếu tố trên, chuyên gia Phạm Bình Phương kỳ vọng VN-Index đã tìm được sự cân bằng tại mốc 1.100 điểm và bắt đầu xu hướng hồi phục. Các mốc ngắn hạn mà nhà đầu tư cần quan tâm là 1.030 - 1.040 điểm và 1.060 - 1.070 điểm.

Vân Anh (T/h)

Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-truong-chung-khoan-tuan-toi-ky-vong-bien-chuyen-nho-ket-qua-kinh-doanh-quy-iii-a594302.html