Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch trầm lắng với điểm số giảm nhẹ và thanh khoản ở mức thấp. Mặc dù hồi phục trong 2 phiên đầu tuần, thị trường đã quay đầu giảm điểm khá mạnh vào cuối tuần, kéo chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất tuần là 1.042,9 điểm, giảm 1% sv tuần trước đó.

Tương tự, áp lực bán cũng gia tăng vào cuối tuần trên 2 sàn còn lại, làm chỉ số HNX-Index giảm về mức 206,9 điểm, giảm 0,2% so với tuần trước đó và chỉ số UPCoM-Index lùi về mức 78 điểm, giảm 0,9%.

Thanh khoản giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm 33% so với tuần trước đó về mức 10.389 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn duy trì vị thế bán ròng trên sàn HoSE với giá trị bán ròng giảm về mức 319 tỷ đồng (giảm 82% so với tuần trước đó). Đồng thời, khối ngoại mua ròng 8 tỷ đồng, giảm 63% trên sàn HNX và bán ròng 14 triệu đồngtrên sàn UPCoM.

Giai đoạn này có thể thấy các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung vẫn đang được Chính phủ và các cơ quan quản lý theo dõi và thực hiện một cách sát sao.

Bước đầu đã ghi nhận sự cải thiện, thể hiện ở khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trong tháng 3 sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Trong một diễn biến khác, NHNN cũng đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích thị trường, CTCP Chứng khoán BIDV và ông Đinh Quanh Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDirect đều cho rằng thị trường sẽ khó có mức tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng cũng không thể giảm quá sâu bởi sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu và mặt bằng lãi suất trong nước.
leftcenterrightdel
 

Biểu đồ định giá thị trường trong vòng 6 tháng gần đây (Nguồn: Fiintrade).


Người Đưa Tin: Thị trường tuần qua chứng kiến sự phân hoá ở hầu hết các nhóm ngành và thanh khoản sụt giảm mạnh. Theo ông, nguyên nhân của diễn biến này là do đâu?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Thời gian qua, tôi thấy rất nhiều thông tin quan trọng và tích cực về vĩ mô, liên quan đến chính sách tài khoá và tiền tệ. Nhưng hiện tại dòng tiền lại không tăng trưởng, điều này đã phản ánh một phần những khó khăn nhất định về dòng tiền chưa được tháo gỡ, cộng với kết quả kinh doanh quý I không khả quan, đây chính là yếu tố khiến dòng tiền không vào thị trường.

Ông Đinh Quanh Hinh: Điều này là do nhà đầu tư duy trì tâm thế “thận trọng” trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đến. Nhìn chung, thị trường cho rằng kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản-chứng khoán trầm lắm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng GDP quý I giảm tốc rõ nét.

Bên cạnh đó, việc kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 đang đến gần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch và sử dụng margin ở thời điểm hiện tại.

Người Đưa Tin: Thị trường có khả năng giảm sâu hơn nữa hay đổi chiều xu hướng khi tiến sát kỳ nghỉ lễ dài ngày? Về trung- dài hạn, VN-Index có thể đạt tới mốc điểm bao nhiêu?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Nếu đưa cái nhìn dài hơn, thị trường từ đầu năm đến giờ luôn trong tình trạng sideway (đi ngang) trong khoảng 1.050 điểm, biên độ khoảng 30 điểm, và hiện tại thị trường cũng đang quay về ngưỡng này.

Trong kịch bản xấu, thanh khoản yếu, khối ngoại bán ròng thì khả năng thị trường sẽ xuống thấp hơn, cận dưới vùng 1.025-1.030, đến vùng này thị trường sẽ bật lên, và cũng sẽ không còn áp lực quá mạnh để thị trường giảm sâu hơn nữa.

Về trung-dài hạn, sau khi NHNN giảm lãi suất, các chính sách hiện tại là cú hích rất quan trọng cho thị trường, tạo nền phí dưới. Nếu NHNN tiếp tục duy trì có xu hướng giảm lãi suất, theo tôi đây là một điều tích cực và thông tin này có thể hỗ trợ thị trường trong trung-dài hạn.

Trong năm 2023, tôi cho rằng thị trường sẽ không thể lên mạnh, khả năng chỉ tiến gần 1.200 điểm trong kịch bản tích cực, hoặc thấp hơn nữa là 1.100 – 1.150 điểm.

Ông Đinh Quanh Hinh: Tôi cho rằng thị trường khó có cơ hội bứt phá trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng sẽ ít có khả năng giảm sâu sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp-bất động sản và hạ mặt bằng lãi suất trong nước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường cũng sẽ ít có khả năng giảm sâu sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp-bất động sản và hạ mặt bằng lãi suất trong nước. Đồng thời, mặt bằng định giá hiện tại cũng ở vùng hợp lý và đã phản ánh phần nào bức tranh kết quả kinh doanh kém tích cực của quý I năm nay.
leftcenterrightdel
 

Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích thị trường, CTCP Chứng khoán BIDV.

 

Người Đưa Tin: Sau một kỳ công bố báo cáo tài chính không mấy khả quan, nhóm ngành nào nên được chú trọng trong giai đoạn hiện tại?

Ông Bùi Nguyên Khoa: Hiện tại dòng tiền đang có sự phân hoá, bởi khi giảm lãi suất, những ngành nhạy với tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ có sự phục hồi, tuy nhiên khi dòng tiền không đủ mạnh sẽ bị phân tán sang những ngành khác, như dòng penny (vốn hoá nhỏ). Thêm vào đó, tình trạng đầu tư công không được giải ngân như dự kiến ban đầu cũng là một lý do khiến dòng tiền sẽ có sự phân hoá.

Theo tôi, trong 2023, trụ cột chung của thị trường vẫn sẽ liên quan đến câu chuyện tăng trưởng đầu tư công, mặc dù cổ phiếu đã đi trước, nhưng những ngành hưởng lợi từ chính sách đang có động lực gia tăng lại sau nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, ngành dịch vụ, bán lẻ cũng nên được xem xét, bởi những ngành này cũng đã có mức giảm sâu, cùng chính sách VAT 8% cũng là yếu tố nhà đầu tư cân nhắc.

Đến giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư có thể trông chờ tín hiệu liên quan đến ngành xuất khẩu, chỉ khi tình hình thế giới diễn biến khả quan thì ngành này mới hồi phục được. Riêng ngành tài chính, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi tiếp. Theo quan điểm cá nhân, tại thời điểm này, nhà đầu tư nên chờ những nhịp rung lắc giảm sâu để vào mua tích luỹ cổ phiếu.

Ông Đinh Quanh Hinh: Giả định trong trường hợp kết quả kinh doanh quý I/2023 tiếp tục kém khả quan như quý IV/2022 thì P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E quá khứ.

Do đó, khả năng cao chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch lình xình trong biên độ hẹp 1.030 - 1.060 điểm trong tuần tới với thanh khoản thấp. Nhà đầu tư nên hạn chế mở mới vị thế trong tuần tới, hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) do thị trường chưa xác định xu hướng rõ rệt và kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp đến gần.
Phạm Hồng Nhung
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-244-kho-co-co-hoi-but-pha-truoc-ky-nghi-le-a604524.html