Đà tăng điểm của thị trường tiếp tục được duy trì trong những phiên đầu tuần khi tâm lý của nhà đầu tư trở nên tích cực hơn sau diễn biến điều chỉnh của DXY và đà phục hồi của thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Lao động Mỹ ra chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi của Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng vào tối ngày 11/10, chỉ số DXY đã tăng trở lại và gây áp lực lên thị trường hai phiên cuối tuần.

Kết tuần, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận tăng 26,2 điểm lên 1.154,7, tương đương mức tăng 2,3% so với cuối tuần trước đó. Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 3,7% lên 238,1 điểm và chỉ số UPCoM-Index hồi phục 0,8% để đóng cửa 87,9 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp trong tuần với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 16.459 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 1.911 tỷ đồng, tăng 390% so với tuần trước đó trên HoSE và 57 tỷ đồng trên UPCoM mặc dù mua ròng trên HNX 153 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1.816 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản và ông Đoàn Đức Thắng - Chuyên viên cao cấp khối KHCN, CTCK Rồng Việt đều đưa ra nhận định rằng thị trường sẽ khó có các đợt giảm sốc nữa.

Người Đưa Tin (NĐT): Chỉ số VN-Index đã có diễn biến hồi phục nhẹ khi có mức tăng 2,3% so với tuần trước đó, kết tuần ở mức 1.154 điểm. Về ngắn hạn, theo ông, thị trường còn xuất hiện thêm nhịp giảm sốc nào nữa không?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Theo tôi, thị trường chung điều chỉnh nhưng vẫn có rất nhiều nhóm cổ phiếu không giảm giá, thậm chí còn vượt đỉnh. Điều này thể hiện sức mạnh của dòng tiền và sự hấp dẫn của các nhóm ngành có câu chuyện riêng.

Về ngắn hạn, thị trường đã tạo đáy. Cách tạo đáy của VN-Index hiện tại tương tự các đợt tạo đáy của thị trường giai đoạn 2020-2021: thị trường tạo đáy chữ V, thanh khoản 1-2 tuần sau khi tạo đáy rất thấp và nhiều nhóm ngành cổ phiếu vẫn tăng vượt đỉnh bất chấp thị trường điều chỉnh. Như vậy, thị trường sẽ khó có các đợt giảm sốc nữa.

Ông Đoàn Đức Thắng: Về ngắn hạn theo tôi, sẽ khó để VN-Index có một nhịp giảm sâu nữa, và vùng 1.100-1.170 điểm sẽ là vùng cân bằng cho thị trường. Tôi đánh giá rằng thời điểm vĩ mô như hiện tại ủng hộ cho điều đó qua 2 góc nhìn.

Thứ nhất, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và cũng mới đi được nửa đoạn đường khi các chính sách nới lỏng còn đang thẩm thấu. Việc kinh tế thế giới phục hồi cũng sẽ tích cực đối với tình hình xuất khẩu tại Việt Nam và chào đón các làn sóng FDI mới. Nên hiện tại, tin tức khó có thể xấu hơn nữa để khiến thị trường giảm sâu.

Thứ hai, sau các lần NHNN quyết định hạ lãi suất, dư địa hạ lãi suất huy động hiện sẽ không còn nhiều, tuy nhiên dư địa hạ lãi suất cho vay sẽ tương đối thoáng trong những tháng cuối năm để kích thích doanh nghiệp sử dụng sản xuất kinh doanh trở lại sau thời kỳ khó khăn. Thêm nữa là sau cuộc họp gần đây, FED đã phát tín hiệu cuối năm sẽ không còn lần tăng lãi suất nào nên về mặt tỉ giá có lẽ cũng đã qua “mùa cao điểm”.

NĐT: Chính sách tiền tệ của Mỹ (Fed) và Việt Nam đang có khoảng cách, áp lực tỉ giá và lạm phát vẫn hiện hữu. Ông đánh giá thế nào về áp lực tỉ giá với Việt Nam hiện nay, cũng như với TTCK?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Áp lực tỉ giá là rất rõ ràng, tỉ giá USD/VND đã tiến đến ngưỡng 24.500 VNĐ/USD. Việc NHNN tiếp tục điều hành lãi giảm lãi suất, trong khi FED lại neo lãi suất USD rất cao sẽ gây áp lực lên tỉ giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang rất khó khăn thì chính phủ phải hi sinh tỉ giá để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Còn đối với TTCK, tỉ giá tăng sẽ có nhiều mặt tác động đến thị trường. Đối với dòng tiền ngoại, khi tỉ giá tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị quy đổi của các quỹ đầu tư, dòng tiền nước ngoài đã hiện hữu tại Việt Nam. Nếu các tổ chức dự báo tỉ giá tiếp tục tăng thì dòng tiền sẽ rút ra khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô thị trường đã tăng lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước 2019, việc dòng tiền khối ngoại rút ra không ảnh hưởng nhiều. Ngược lại, đối với dòng tiền nước ngoài chưa vào Việt Nam sẽ là cơ hội mua cổ phiếu Việt Nam với giá rẻ hơn trước.
leftcenterrightdel
 

Biểu đồ phân tích kỹ thuật VN-Index.

Ông Đoàn Đức Thắng: Với tình hình xuất khẩu phục hồi như hiện nay và việc phát hình tín phiếu của NHNN, tôi cho rằng biên độ giao động của tỉ giá thời gian tới vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, thậm chí việc bán USD ra để can thiệp có lẽ chưa cần thiết phải dùng đến ít nhất trong năm nay.

Còn với TTCK, tôi đánh giá, tỉ giá như hiện tại không phải là nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh vừa rồi. Từ hồi đầu năm, các quỹ, tổ chức và khối ngoại mua ròng rất nhiều vì họ cho rằng định giá thị trường khá “rẻ” mức P/B <1 nên việc hiện tại các cổ phiếu bị bán ròng thì các yếu tố liên quan đến việc định giá là tác nhân chính.

NĐT: Xét về nhóm ngành, tất cả đều đang biến động khá mạnh và có sự phân hoá sâu. Liệu nhóm ngân hàng, chứng khoán đã quay trở lại “trợ lực” cho thị trường?

Ông Nguyễn Trọng Minh: Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, câu chuyện lợi nhuận quý III, KRX và nâng hạng thị trường chứng khoán… vẫn là động lực giúp nhóm này tiếp tục tăng. Tôi cho rằng, về ngắn hạn nhóm chứng khoán sẽ dẫn dắt thị trường

Còn đối với nhóm ngân hàng, kì vọng lợi nhuận không lớn, nợ xấu tiếp tục gia tăng… sẽ là lực cản đối với nhóm cổ phiếu này. Vai trò dẫn dắt thị trường của nhóm ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ không lớn. Ngược lại, nếu thị trường tăng mạnh sẽ là hỗ trợ giúp nhóm cổ phiếu này tăng theo.

Ông Đoàn Đức Thắng: Từ đợt sụt giảm vừa rồi, có thể thấy thanh khoản thị trường hiện tại đã giảm đến 20-35% so với trung bình quý III. Điều này cho thấy nhà đầu tư không còn hào hứng giao dịch và đang có tâm lý thận trọng ở thời điểm hiện tại, nên dòng tiền các CTCK thu được từ phí giao dịch sẽ bị co lại.

Tuy nhiên nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn mang tâm lý chung của thị trường, nên tôi đánh giá vẫn sẽ có những nhịp ngắn hạn phù hợp cho các nhà đầu tư khi các thông tin về việc áp dụng KRX còn tiếp tục được đưa ra. Tuy nhiên về mặt dài hạn vẫn sẽ cần thêm nhiều yếu tố để xem xét.

Phạm Hồng Nhung
Nguồn Người đưa tin Pháp luật
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-1610-vung-1100-1170-se-la-diem-can-bang-moi-a631232.html