Không còn tình trạng bán ròng ồ ạt, khối ngoại quay đầu mua ròng nhẹ cho thấy hy vọng thị trường sớm trở lại, nhóm vốn hoá lớn cũng le lói sắc xanh ở cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, VN-Index tăng 3,43 điểm, tương đương 0,34% lên 1.024,68 điểm. Toàn sàn có 222 mã tăng, 151 mã giảm và 86 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,89 điểm, tương đương 0,44% về 202,38 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 77 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,59 điểm lên 76,44 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 18/30 mã tăng giá.
Thanh khoản vẫn còn quá ít so với những phiên trước đây của thị trường. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 7.513 tỷ đồng, giảm gần 30% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 30,5% về 6.480 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 2.403 tỷ đồng.
|
|
GTGD của nhà đầu tư nước ngoài từ 2022 (Đơn vị: tỷ đồng).
|
Rủi ro suy yếu vẫn còn hiện hữu
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Sau 5 phiên giảm điểm đưa VN-Index về gần vùng hỗ trợ 1.015 điểm, thị trường có động thái hồi phục. Tuy nhiên diễn biến hồi phục khá khiêm tốn với trạng thái dòng tiền vẫn còn thận trọng và áp lực cản từ vùng Gap giảm 1.030 – 1.040 điểm tại VN-Index. Tín hiệu hồi phục hiện tại chỉ giúp thị trường ngừng giảm, chưa tạo cải thiện đáng kể cho thị trường và rủi ro suy yếu vẫn còn hiện hữu.
Dự kiến vùng Gap 1.030 – 1.040 điểm sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường và diễn biến thăm dò tạm thời vẫn là chủ đạo. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu. Ngoài ra nên duy trì tỉ trọng danh mục ở mức hợp lý và tận dụng nhịp hồi của thị trường để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Áp lực giảm điểm là vẫn còn
Chứng khoán TPS: VN-Index đã chững lại đà giảm sau chuỗi 5 phiên giảm liên trước đó. Tuy nhiên, áp lực giảm điểm là vẫn còn khi sắc xanh của thị trường nhanh chóng bị thu hẹp khi chỉ số chung test lại đường SMA 100 ngày đã bị vượt qua.
Cùng với đó, phiên hồi phục chưa có sự đồng thuận của thanh khoản và điều này phản ánh tâm lý e ngại của bên mua trong giai đoạn thị trường còn nhiều biến động. Ngoài ra, việc chỉ báo MACD và Relative Strength Index (RSI) duy trì tín hiệu tiêu cực phản ánh rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn vẫn còn.
Ngưỡng kháng cự gần được đặt quanh 1.03x
Chứng khoán KBSV: VN-Index tăng điểm tích cực trong phiên trước khi suy yếu và đánh mất một phần thành quả đạt được về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến spinning trung tính về cuối phiên cho thấy áp lực cả bên mua và bên bán đang khá cân bằng và khiến cho trạng thái thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh của VN-Index trong các phiên tiếp theo vẫn đang có phần lấn át với ngưỡng kháng cự gần được đặt quanh 1.03x. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỉ trọng về mức an toàn.
Dòng tiền ngắn hạn vẫn yếu
Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp. Điểm rủi ro lớn nhất là thanh khoản ở mức thấp tại nhịp hồi cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn yếu và các nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Đồng thời, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm và kiểm định lại vùng 985 – 1.000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với diễn biến hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục ưu tiên hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức thấp. Trong trường hợp nếu chỉ số VN-Index giảm mạnh về vùng 985 – 1.000 điểm thì các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo hoặc dừng bán.