Theo Lao Động, trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 91,2 USD/thùng, tăng 1,15%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 94,27 USD/thùng, tăng 0,62% vào lúc 8h13 ngày 16/9 theo giờ Việt Nam. Đây là mức tăng giá rất mạnh trong thời gian qua.

Giá dầu tăng diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về nguồn cung thắt chặt sau khi Ả Rập Xê Út và Nga muốn giảm tồn kho trên toàn cầu và gia hạn cắt giảm sản lượng dầu của họ cho đến cuối năm nay.

Các nhà phân tích Bank of America cho biết, nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tích cực của châu Á, giá dầu Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước năm 2024.
leftcenterrightdel
 Dự báo giá xăng sẽ tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh 21/9. Ảnh: Thanh Niên.

Tại thị trường trong nước, theo dự báo của một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội, trong kỳ điều chỉnh tới đây (ngày 21/9), nếu cơ quan điều hành không trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu (giống như các phiên điều chỉnh gần đây), giá xăng RON 95-III có thể tăng từ 900 - 1.000 đồng/lít.

Còn xăng E5 RON 92 tăng từ 750 - 850 đồng/lít; dầu DO dự báo tăng từ 850 - 950 đồng/lít. Nếu như dự đoán này là đúng thì giá xăng RON 95-III có thể vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít; còn xăng E5 sẽ vượt mức hơn 24.000 đồng/lít. Đây là mức tăng giá rất cao, có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lao Động dẫn lời chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, đối với giá xăng dầu trong nước, mức giá chỉ nên dao động trong khoảng từ 19.000 – 22.000 đồng. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết. Nhưng tiếc rằng, Quỹ bình ổn còn rất nhiều tiền, nhưng không chi sử dụng.

"Biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng nhiều tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành tiêu thụ dầu mỏ lớn và từ đó tác động mạnh tới giá thành phẩm. Do vậy, bằng mọi cách phải kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu", ông Phú nói.

Số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư 7.424,7 tỷ đồng.

Trước đó, số dư Quỹ tính đến hết tháng 3/2023 là 5.640,34 tỷ đồng. Số trích quỹ trong quý II là 1.779,2 tỷ đồng và sử dụng Quỹ chỉ chưa đầy 6 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ trong quý là khoảng 3,23 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ âm là 2,09 tỷ đồng.

Trong 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm hơn 43%. Một số thương nhân đầu mối khác có số dư Quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 612 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (gần 468 tỷ đồng); Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp (hơn 454 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (333,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (307 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, cũng có 4 đơn vị ghi nhận đang âm Quỹ Bình ổn, gồm: Công ty CP Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 32 tỷ đồng); Tổng công ty Dầu Việt Nam PV Oil (âm 22,42 tỷ đồng; cuối tháng 3, doanh nghiệp này âm hơn 346 tỷ đồng), thông tin từ báo Công an nhân dân.
Thùy Dung (T/h)

Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-bao-gia-xang-se-tang-rat-manh-trong-ky-dieu-chinh-21-9-a591388.html