Lợi nhuận tỷ đô của Vietcombank
Năm 2021, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) báo lãi trước thuế đạt gần 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước - cao nhất hệ thống ngân hàng. Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất gần 25.686 tỷ đồng được đề ra, Vietcombank đã vượt gần 7% chỉ tiêu.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản Ngân hàng tăng 7% so với đầu năm, lên hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên hơn 960.749 tỷ đồng. Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 10% so với đầu năm, đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng.
Dù lợi nhuận tỷ đô song yếu tố đặc biệt khác cần phân tích kỹ khi đánh giá lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của ngân hàng là chất lượng tín dụng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu Vietcombank tăng 17% so với đầu năm, ghi nhận hơn 6.121 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nghi ngờ tăng đột biến lên hơn 965 tỷ đồng, gấp 4 lần đầu năm. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,62% lên 0,64%.
Hơn nữa, các khoản vay quá hạn từ 10-90 ngày (nợ cần chú ý) tại Vietcombank cũng tăng gần 3.498 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Nhóm nợ này tăng nhanh có thể xuất phát từ việc các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại Vietcombank. |
Có thể thấy, việc tăng tổng tài sản, tăng dư nợ tín dụng của Vietcombank vẫn chưa thực sự hiệu quả cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các nhóm nợ xấu đang có xu hướng tăng đáng kể. Điển hình là các khoản nợ tiềm ẩn tại Vietcombank nằm ngoài bảng cân đối kế toán ghi nhận hơn 119.402 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với đầu năm.
Trong đó, bảo lãnh vay vốn bất ngờ tăng vọt 274% lên hơn 2.447 tỷ đồng; cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng tăng 42% lên hơn 65.378 tỷ đồng và bảo lãnh khác xấp xỉ đầu năm, ghi nhận gần 51.577 tỷ đồng.
|
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 tại Vietcombank. |
Đối với các ngân hàng, nợ tiềm ẩn chủ yếu bao gồm các khoản bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C, các khoản bảo lãnh khác như thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu… Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C nhìn chung có tính an toàn cao hơn so với các khoản bảo lãnh vay vốn hay các khoản bảo lãnh khác.
Hiện nay, dù việc quản lý dư nợ cho vay đã được đẩy mạnh kiểm soát, song rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của nhóm ngân hàng thương mại vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Cách đây vài năm đã xảy ra vụ việc bên nhận bảo lãnh không thanh toán tiền khiến Ngân hàng Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên được bảo lãnh là Công ty TNHH Cao Trường Sơn số tiền 38,5 tỷ đồng.
Thực tế, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ nợ xấu được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, thì rõ ràng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh nợ xấu cũng như đánh giá được những rủi ro từ các nghĩa vụ nợ của các ngân hàng.
Dòng tiền kinh doanh tại Vietcombank âm trở lại
Ngoài tín dụng, dòng tiền kinh doanh là một điểm xám khi nhìn vào bức tranh tài chính năm qua của Vietcombank.
Sau 2 năm ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương hơn 25.000 tỷ đồng thì đến năm 2021 lại ghi nhận âm hơn 54.780 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 1.590 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 2.305 tỷ đồng) và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 1.886 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 2.305 tỷ đồng. Do đó, tổng lưu chuyển dòng tiền thuần trong kỳ tại Vietcombank ghi nhận âm hơn 58.256 tỷ đồng trong khi năm 2020 dương hơn 20.312 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh tại Vietcombank âm cho thấy lợi nhuận mới chỉ ghi nhận trên sổ sách chứ chưa thu được tiền kinh doanh về.
Tại Vietcombank, một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh âm là do khoản tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ so với cùng kỳ, ở mức 103.210 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản cho vay khách hàng lại ghi nhận hơn 120.961 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Ngoài ra, các khoản tiền gửi, tiền vay của các tổ chức tín dụng khác giảm từ hơn 29.966 tỷ đồng còn hơn 6.000 tỷ đồng...
|
|
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tại Vietcombank |
Thông thường dòng tiền vào – ra lớn nhất của các ngân hàng chủ yếu từ thu nhập lãi – chi phí lãi và cho vay – tiền gửi khách hàng. Nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay, phần tiền tăng thêm từ tiền gửi khách hàng không đủ bù cho lượng tăng thêm do cho vay cũng là một yếu tố khiến dòng tiền thuần trong kỳ bị hao hụt.
Tuy nhiên ngoài tác động từ dòng tiền lớn này, còn có những trường hợp đặc biệt cũng khiến tiền của nhà băng vơi bớt do giảm tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tăng đầu tư chứng khoán, hay phải thanh toán công nợ hoạt động/giảm tiền vay các TCTD khác…