Báo VnExpress dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 8/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 43.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Tính đến giữa tháng 8, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, trên 7%/năm.
Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn một năm) từ 6% đến dưới 7%/năm. Hết tháng 8, lãi suất vẫn tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng lớn đã đưa về mức thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.
|
|
Lãi suất giảm sâu, người dân vẫn ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng. |
Với khối tổ chức gồm doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể..., nhóm này gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 8, sau một tháng rút ròng hơn 74.000 tỷ đồng. Còn so với đầu năm, lượng tiền gửi của khối tổ chức tăng thấp, chỉ khoảng 1%, đạt hơn 6 triệu tỷ đồng.
Môi trường lãi suất thấp giai đoạn COVID-19 từng khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, xu hướng không lặp lại ở thời điểm hiện tại.
Báo Người lao động dẫn lời chị Bích Hoàng (TP.HCM) cho biết, chị đang có khoản tiền gửi 1 tỷ đồng đến kỳ tất toán nhưng chưa biết đầu tư kênh nào. Chị Hoàng đầu tư chứng khoán nhưng giai đoạn vừa rồi biến động mạnh nên khoản này đang thua lỗ. Giá vàng biến động mạnh và vàng SJC cách biệt quá lớn với giá thế giới nên chị không tham gia.
"Bất động sản thì trầm lắng và khoản tiền 1 tỷ đồng cũng rất khó mua được đất nền hay căn hộ ở TP.HCM nên tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm. Dù vậy, nếu 6 tháng trước khoản tiền gửi tiết kiệm của tôi lãi suất trên 8%/năm, thì thời điểm này chỉ còn khoảng 4,9%/năm", chị Hoàng nói.
Loay hoay tìm kiếm kênh đầu tư ở thời điểm hiện tại và nhiều người chọn tiếp tục gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm sâu.
Chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển, phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm tương tự trên báo Lao động, trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường này có dấu hiệu khởi sắc, song việc đầu tư vào chứng khoán có thể gặp rủi ro, nếu không nghiên cứu cẩn thận và có kỹ năng phân tích thị trường.
Trong khi đó, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản… vẫn còn bấp bênh, chưa có điểm sáng. Một số bất động sản có giá thấp hơn trước đây nhưng người mua lúc này có thể không muốn vay vốn từ ngân hàng.
Vàng thì tăng giảm thất thường trong suốt thời gian qua nên cũng khiến người mua ái ngại. Vì thế, dòng tiền hiện nay đang nằm chờ đợi tìm kiếm cơ hội đầu tư là chính.
"Với tính chất ổn định và ít rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng là hình thức được nhiều người dân Việt Nam ưa thích. Tâm lý sợ mất tiền vẫn lớn nên dù lãi suất thấp họ vẫn chấp nhận", ông Thịnh nhận định.