|
|
Vinawaco được cổ phần hoá năm 2014, vốn nhà nước trong doanh nghiệp là 109,8 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn điều lệ. |
Đáo tụng đình
Cho đến thời điểm này, mọi lối thoát khả dĩ nhất cho khoản nợ trị giá hơn 60 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank và Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP (Vinawaco) gần như bị bịt lại.
Chiểu theo Công văn 8109/BGTVT-QLDN vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần trước, Bộ GTVT khẳng định tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản nợ giữa Vietcombank và Vinawaco thuộc trách nhiệm của Vietcombank trong công tác quản lý nợ cũng như trách nhiệm của Vinawaco (giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước) khi thực hiện xóa nợ năm 2005. Việc giải quyết tranh chấp do các cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền (tòa án, trọng tài) thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco và thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sang SCIC.
“Riêng khoản nợ Vietcombank tại Vinawaco sẽ xử lý sau khi có phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền”, Công văn 8169 do ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Cũng tại Công văn số 8169, Bộ GTVT cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đều đồng thuận với ý kiến của Bộ GTVT về việc khoản nợ phải trả trên của Tổng công ty tại Vietcombank không nằm trong danh mục nợ phải trả khi thực hiện kiểm kê công nợ cũng như bàn giao sang công ty cổ phần.
Việc Vinawaco thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở các khoản mục tài sản, công nợ đã được kiểm kê là phù hợp với trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần.
Được biết, khoản nợ của Vinawaco tại Vietcombank có lịch sử và nguồn gốc khá dích dắc. Cụ thể, năm 1995, được sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Vinawaco đã tiếp nhận 3 tàu vận tải hoạt động không có hiệu quả để hỗ trợ khó khăn cho Công ty Vietrancimex. Tuy nhiên, thay vì gia tăng tiềm lực, việc tiếp nhận khiến Vinawaco gặp nhiều khó khăn, gây thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản.
Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính cho doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng đã chỉ đạo đồng ý hỗ trợ Vinawaco xử lý nợ vay tồn đọng 3 tàu vận tải tại Công văn 791/2005/VPCP-KTTH.
Do hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Vinawaco khi đó đã hạch toán xóa toàn bộ nợ và lãi phát sinh, không theo dõi trên sổ sách kế toán từ năm 2005. Đây cũng là lý do khiến trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Vinawaco không xuất hiện khoản nợ này.
Từ năm 2005 đến khi thực hiện cổ phần hóa (năm 2014), cả Vietcombank và Vinawaco không thực hiện đối chiếu công nợ, Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm trước đây không đề cập đến nội dung này, nên Tổng công ty không phát hiện hạch toán sai.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinawaco (ngày 30/6/2013) và thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 1/6/2014), khoản nợ phải trả của Tổng công ty tại Vietcombank không nằm trong danh mục nợ phải trả khi thực hiện kiểm kê công nợ cũng như bàn giao sang công ty cổ phần.
Ở chiều ngược lại, Bộ GTVT cho rằng, Vietcombank cũng có trách nhiệm lớn đối với khoản tồn đọng tài chính này. Cụ thể, trong suốt 10 năm, dù Vinawaco thường xuyên có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, nhưng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam không hề xuất hiện khoản nợ xấu này. Ngoài ra, khi Vietcombank tiến hành cổ phần hóa vào năm 2007 cũng không thực hiện việc thông báo, đối chiếu công nợ với Vinawaco.
Vụ việc chỉ vỡ lở vào năm 2016, khi Vietcombank - chi nhánh TP.HCM “sực nhớ” và thông báo cho Vinawaco về khoản nợ tại Ngân hàng. Trong thông báo thúc nợ gửi Vinawaco vào tháng 8/2020, Vietcombank cho biết, tính đến ngày 31/7/2020, tổng dư nợ của Vinawaco là 61 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 12,6 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn là 36,36 tỷ đồng; nợ lãi quá hạn là 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vinawaco đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được khoảng 6 năm, nên HĐQT Tổng công ty không chấp nhận khoản nợ này.
Nợ chạy lòng vòng
Được biết, trong suốt 4 năm qua, Bộ GTVT - với tư cách là đại diện chủ sở hữu Vinawaco trước khi cổ phần hóa - đã đôn đáo xử lý các vướng mắc liên quan đến những khoản nợ phát lộ sau khi Tổng công ty này đã chuyển hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó có món nợ của Vietcombank.
Dù đã phối hợp với Bộ Tài chính xử lý 13/14 khoản nợ tranh chấp tại Vinawaco, nhưng Bộ GTVT không thực hiện được việc quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa Vinawaco do không đủ thẩm quyền để xử lý về tranh chấp dân sự khoản nợ tại Vietcombank.
Theo Bộ GTVT, đối với khoản nợ của Vinawaco tại Vietcombank, ngày 28/1/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn 815/VPCP-KTTH, trong đó Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Vietcombank xử lý các khoản nợ gốc, lãi vay và lãi phạt đối với Vinawaco theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Vinawaco xử lý các tồn tại theo đúng quy định pháp luật, không để mất vốn Nhà nước.
Vào giữa tháng 8/2019, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản 6239/NHNN-TD, trong đó đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinawaco thực hiện hoàn trả khoản nợ (gốc, lãi) tại Vietcombank theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản 6240/NHNN-TD ngày 13/8/2019 gửi Vietcombank, trong đó chỉ đạo: “Vietcombank tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi khoản nợ tồn đọng của Vinawaco tại Vietcombank theo quy định… Việc xem xét miễn, giảm lãi vay, lãi phạt của Vinawaco, Vietcombank thực hiện theo quy định hiện hành”.
Tổng công ty Xây dựng đường thủy vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển, nạo vét luồng hàng hải của Bộ GTVT. Doanh nghiệp này cổ phần hoá từ năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp này được xác định là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ).
Chúng tôi yêu cầu Bộ GTVT sớm xử lý dứt điểm các khoản nợ không được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi tiến hành cổ phần hóa. Việc ra tòa hay trọng tài kinh tế, đó là chuyện của Bộ GTVT, không liên quan gì đến pháp nhân Tổng công ty hiện nay”. - Ông Ngô Văn Tuấn,
Chủ tịch HĐQT Vinawaco |
Như vậy, ý kiến của Ngân hàng Nhà nước là không thực hiện xóa nợ gốc, chỉ xem xét miễn, giảm lãi vay, lãi phạt đối với khoản nợ này.
Trước đó, tháng 2/2020, Bộ GTVT từng đề xuất Thủ tướng cho phép Bộ này phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần, trong đó không tính khoản nợ Vietcombank này trong quyết toán bàn giao. Sau khi thực hiện quyết toán, Bộ sẽ phối hợp với SCIC bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vinawaco về SCIC, đồng thời bàn giao khoản nợ Vietcombank của Vinawaco thời kỳ doanh nghiệp nhà nước về SCIC. SCIC sẽ tổ chức thoái vốn tại Vinawaco và dùng tiền bán vốn để trả nợ Vietcombank.
Tuy nhiên, phương án này bị phá sản khi SCIC khẳng định không có chức năng tiếp nhận, theo dõi, xử lý các khoản nợ, tài sản tồn đọng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo lãnh đạo SCIC, khoản nợ trên của Vinawaco là tồn tại trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
“Bộ GTVT với tư cách là cơ quan chủ trì, quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục làm rõ, xử lý dứt điểm và xác định chính thức giá trị vốn Nhà nước tại Vinawaco, làm cơ sở chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp này sang SCIC”, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC khẳng định.
Việc chậm trễ trong quyết toán vốn lần hai để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp này luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản.
“Những vướng mắc này khiến hoạt động của Vinawaco gặp nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời. Với tư cách là cổ đông chiến lược, chúng tôi yêu cầu Bộ GTVT sớm xử lý dứt điểm các khoản nợ không được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi tiến hành cổ phần hóa. Việc ra tòa hay trọng tài kinh tế, đó là chuyện của Bộ GTVT, không liên quan gì đến pháp nhân Tổng công ty hiện nay”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco nhấn mạnh.