Môi trường lãi suất ở mức cao, lạm phát kéo dài, thu nhập suy giảm đã và đang tác động tới tăng trưởng kinh tế. Nhận định cho năm 2023, hầu hết các chuyên gia cùng cho rằng nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, ít nhất trong nửa đầu năm.
Doanh nghiệp xây dựng đặt kỳ vọng có lãi trở lại
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2023, xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản. Hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh giữa các nhà thầu xây dựng dự báo vẫn gay gắt bởi nhu cầu xây dựng thấp nên các nhà thầu có áp lực nhận thầu bằng mọi giá để duy trì bộ máy.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản gặp áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp và việc bán hàng, chuyển nhượng dự án cũng gặp bất lợi. Vì vậy, chủ đầu tư có thể thiếu hụt về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho nhà thầu.
Trước những dự báo không mấy sáng sủa, một số doanh nghiệp xây dựng vẫn kỳ vọng lên mục tiêu kinh doanh năm 2023.
|
|
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet) |
Đơn cử Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) kỳ vọng sẽ có lãi sau thuế trở lại với 125 tỷ đồng so với mức lỗ kỷ lục hơn nghìn tỷ đồng năm ngoái, nhưng kế hoạch này vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả những năm trước đại dịch COVID-19.
Cụ thể, năm 2023, HBC đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 125 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ sau thuế 1.141 tỷ đồng kỷ lục năm ngoái.
Một cái tên khác trong ngành xây dựng là CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 cao hơn năm trước với 195 tỷ đồng doanh thu (tăng 13% so với cùng kỳ) và lãi sau thuế 20 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ.
Tại buổi gặp mặt cổ đông trực tuyến chiều 16/1, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cho biết năm 2022 công ty đang triển khai 65 dự án tại ba miền. Vị CEO này cho biết, dựa trên backlog đang có, kế hoạch năm 2023 dự kiến sẽ cao hơn năm trước khoảng 10% - 20%.
Năm 2022, Coteccons đạt 14.537 tỷ doanh thu thuần, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ, giảm gần 14% so với năm trước đó.
Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp xây dựng này đạt 97% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Đối với CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, doanh thu năm 2022 ở mức 11.384 tỷ đồng, tăng 40% so với 2021; lợi nhuận sau thuế gần 91 tỷ đồng, tăng 14%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của Ricons vượt Coteccons.
Nhóm doanh nghiệp thép thận trọng hạ thấp mục tiêu kinh doanh
Dự đoán về triển vọng các doanh nghiệp thép năm 2023, Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. SSI Research dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép như Hoa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023.
Chính vì vậy, một số doanh nghiệp ngành thép đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng trong năm 2023.
|
|
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet) |
Cụ thể, ‘ông lớn’ trong ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) đặt kế hoạch kinh doanh an toàn trong năm 2023 với 150.000 tỷ đồng doanh thu tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 8.000 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ.
Chứng khoán KBSV có cái nhìn tiêu cực hơn khi cho rằng Hòa Phát sẽ chỉ có lãi 3.799 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 55% so với năm ngoái. Tổng tiêu thụ có thể đạt 6,95 triệu tấn, giảm 16%, doanh thu dự kiến 126.770 tỷ đồng, giảm 10%.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá rằng kế hoạch kinh doanh của Hòa Phát thường khá thận trọng - ngoại trừ trong điều kiện thị trường bất thường vào năm 2022.
Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) thận trọng đưa ra hai kế hoạch kinh doanh. Phương án 1, công ty dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng doanh thu giảm 32%, lợi nhuận sau thuế khoảng 100 tỷ đồng giảm 60% so với niên độ trước. Phương án 2, doanh thu dự báo đạt 36.000 tỷ đồng, lãi sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và tăng 20% so với kết quả thực hiện trong năm tài chính 1/10/2021 – 30/9/2022.
VCSC đánh giá rằng kế hoạch của Hoa Sen thường không phải là chỉ báo tốt cho thực tế.
Doanh nghiệp bán lẻ tự tin với kế hoạch năm 2023
Chứng khoán BSC nhận định, mức nền cao của năm 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm đã khiến tình hình cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt, đặt thách thức tăng trưởng chung đối với của nhóm ngành này trong năm nay (đặc biệt đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022).
|
|
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet) |
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) tự tin kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần từ 135.000 - 150.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng kỳ vọng 4.200 tỷ - 4.700 tỷ đồng.
Năm ngoái, doanh thu thuần của MWG lập kỷ lục mới với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021. Lãi ròng cả năm 2022 còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021.
Như vậy, kế hoạch năm 2023 của MWG tăng 1% - 12% về doanh thu và tăng 2% - 15% về lợi nhuận ròng.
Kế hoạch kinh doanh năm nay của MWG được xây dựng dựa trên giả định hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ tích cực hơn từ giữa quý III, hoặc từ quý IV. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tập trung kiểm soát chi phí chặt chẽ, kiểm soát tồn kho hiệu quả và giảm chi phí tài chính.
Tương tự, CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) đã đưa ra hai kịch bản về tình hình kinh doanh năm 2023. Ở kịch bản 1, công ty đặt mục tiêu doanh thu 25.109 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và lợi nhuận ròng tăng 15% đạt 787 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, kịch bản này được đặt ra trong giả định các yếu tố vĩ mô sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, doanh thu toàn thị trường di động đi ngang, chủ yếu bởi giá bán bình quân gia tăng nhờ xu hướng cao cấp hóa của sản phẩm.
Ở kịch bản thứ hai, kém tích cực, Digiworld vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ròng hai con số, đạt 10%, tương đương lãi ròng 752 tỷ đồng trong năm 2023.Kế hoạch tăng trưởng 15% về lợi nhuận được Digiworld xây dựng dựa trên những hợp đồng mới đã ký kết, cũng như dự báo nhu cầu cho sản phẩm đang kinh doanh sẽ được cải thiện trong 2 quý cuối năm.
Đối với Tập đoàn Masan (mã: MSN), dự báo năm 2023, tùy theo tình kinh kinh tế vĩ mô và các thay đổi trong quyết định của tập đoàn, doanh thu thuần hợp nhất của Masan ước tính sẽ từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.
TheCrownX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. Lợi nhuận ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, Ban điều hành ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 10% đến 15%.
Tại CTCP FPT (Mã: FPT) vẫn lạc quan về khả năng sinh lời của công ty bất chấp những dự báo về bối cảnh kinh tế ảm đạm cả tại trong nước và toàn cầu vào năm nay. FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 52.289 tỷ đồng doanh thu tăng 19%, lợi nhuận trước thuế khoảng 9.055 tỷ đồng tăng 18% so với năm 2022.
Doanh nghiệp bất động sản vẫn u ám
|
|
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet) |
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ngoài những khó khăn về tín dụng, chênh lệch cung - cầu, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2023 dự báo tiếp tục gặp khó khăn khi các nhà đầu tư đang bị lạm phát, lãi suất tăng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sở hữu nhà. Người có nhu cầu ở thực cũng gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Trong báo cáo mới nhất, FiinGroup đưa ra đánh giá thận trọng về sự phục hồi của doanh nghiệp bất động sản nhà ở trong ngắn hạn do ngành bất động sản đang đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt tín dụng bất động sản; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bị giám sát chặt chẽ; lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà và nguồn cung mới chưa thể cải thiện do vướng mắc pháp lý dự án chậm được tháo gỡ.
Trước những dự báo kém khả quan, các doanh nghiệp bất động sản cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, dè chừng.
Vừa qua, CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.040 tỷ đồng (giảm 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.053 tỷ đồng (giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022).
Theo đó, doanh nghiệp tiếp tục tập trung chính vào các lĩnh vực mũi nhọn như bất động sản, năng lượng và đầu tư tài chính. Trong đó, chú trọng phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm,…
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã: KBC) cũng hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh, cụ thể: tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 11% so với kế hoạch của năm 2022.