Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải mới đây, lãnh đạo Vietnam Airlines đã bật mí thông tin khiến dư luận không khỏi xôn xao, đó là các hãng hàng không Việt Nam rất khó khăn, thậm chí có hãng xin bảo hộ phá sản.

“Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”, Tri thức trực tuyế dẫn lời lãnh đạo Vietnam Airlines.
leftcenterrightdel
 Một số hãng hàng không Việt lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, theo số liệu trong báo cáo tài chính năm 2022, khó khăn vẫn bủa vây một số doanh nghiệp hàng không trong năm vừa qua.

Theo báo Lao động, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) khiến dư luận xôn xao khi công bố mức lỗ sau thuế lên đến 17.619 tỷ đồng trong năm 2022. Thua lỗ nặng nề khiến lỗ luỹ kế tại Bamboo Airways tính đến cuối năm 2022 tăng lên 19.335 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu Bamboo Airways âm gần 836 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả Bamboo Airways tính đến cuối năm 2022 còn 18.843 tỷ đồng, tăng 87% sau 12 tháng. Bao gồm 17.342 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.501 tỷ đồng nợ dài hạn.

Qua đó, có thể thấy kết thúc năm 2022, nợ ngắn hạn của Bamboo Airways đã vượt tài sản ngắn hạn (10.442 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Bamboo Airways là 0,6.

Tại ngày 31/12/2022, nợ vay tài chính tại Bamboo Airways còn 10.623 tỷ đồng, tăng thêm 123% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu trong đó là nợ vay ngắn hạn với 10.115 tỷ đồng. Cho thấy, áp lực trả nợ rất lớn của Bamboo Airways trong năm 2023.

Còn theo báo cáo tài chính Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), kết thúc quý I/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 23.494 tỷ đồng, tăng thêm 102% so với cùng kì. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 37 tỷ đồng.

Đáng chú ý, việc Vietnam Airlines thua lỗ trong quý I/2023 đánh dấu kỷ lục buồn với 13 quý liên tiếp Vietnam Airlines thua lỗ, đồng thời nâng mức lỗ luỹ kế công ty tại ngày 31/3/2023 lên mức 34.303 tỷ đồng. Con số lỗ luỹ kế này khiến Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu hơn 10.239 tỷ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu đạt gần 22.144 tỷ đồng.

Đối với Vietravel Airlines - tân binh của ngành hàng không, theo báo Thanh niên cũng có một khởi đầu không mấy thuận lợi khi ra đời và hoạt động trong giai đoạn khó khăn nhất của hàng không bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây có lẽ là lý do Vietravel vẫn đang khá “cầm chừng” mà chưa bung sức như tăng nhanh đội máy bay hay mở rộng mạng bay như cách các hãng hàng không mới tham gia thị trường thường làm để chiếm lĩnh thị phần.

Công ty mẹ của Vietravel Airlines là Vietravel đã xin rút vốn, tách khỏi hãng bay này từ giữa năm 2021 để làm đẹp hơn báo cáo tài chính. Tính đến quý IV/2022, Vietravel đã tiếp tục giảm sở hữu tại Vietravel Airlines xuống chỉ còn 13,7%.

Không phải là công ty đại chúng, nên bức tranh tài chính của Vietravel Airlines chỉ được công bố với các cổ đông của hãng bay. Thông tin với Thanh Niên, đại diện Vietravel Airlines cho biết, dù hãng vẫn đang lỗ, song đây là mức lỗ trong kế hoạch và vẫn kiểm soát được. Hãng bay này cũng cố gắng tối ưu hóa chi phí và có mức lỗ thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngàng hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đối với các ý kiến khó khăn trong việc xin cấp slot tại nước ngoài của các hãng hàng không, đề nghị các hãng chủ động phối hợp với Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo cụ thể để giải quyết theo hướng có đi có lại. Bộ sẽ có văn bản hoặc lập đoàn công tác đàm phán, trao đổi trực tiếp với các nước về việc cấp slot các đường bay.

Vân Anh (T/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-hoat-dong-cua-cac-hang-hang-khong-viet-nam-ra-sao-a582813.html