Tiền ảo có được phép giao dịch?

Tiền ảo hay tiền điện tử, còn gọi là tiền mã hóa thường được gọi chung là tiền ảo cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, tiền điện tử theo nghĩa rộng được định nghĩa là sự lưu trữ điện tử của một giá trị tiền tệ trên một thiết bị kỹ thuật. Nó được sử dụng rộng rãi để thanh toán cho một thể nhân mà không phải là nhà phát hành, trong đó, không nhất thiết phải cần tới sự tham gia trực tiếp của các tài khoản ngân hàng trong giao dịch.

leftcenterrightdel
 Tại Việt Nam, tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và không có giá trị trong thanh toán, kể cả đồng Bitcoin. (Ảnh: Internet).

Theo Hội đồng Ngân hàng Thanh toán Quốc tế định nghĩa, tiền điện tử là giá trị được lưu giữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu giữ trong một thiết bị thuộc sở hữu của khách hàng. Định nghĩa này bao gồm cả thẻ trả trước (còn được gọi là ví điện tử) và các sản phẩm trả trước dưới dạng phần mềm, sử dụng các hệ thống máy tính kết nối như internet (còn được gọi là tiền mặt điện tử). Tại Mỹ, tiền ảo được xem là bất kỳ loại đơn vị số nào được sử dụng làm môi trường trao đổi hoặc một hình thức lưu trữ số. Theo đó, tiền ảo được hiểu là bao gồm các đơn vị trao đổi kỹ thuật số, trong đó có một kho lưu trữ tập trung hoặc được quản lý bởi một quản trị viên; hoặc được phân cấp và không có kho lưu trữ tập trung hoặc không được quản lý bởi một quản trị viên hoặc có thể được tạo ra hoặc thu được bằng cách tính toán hoặc sản xuất. Nó hoàn toàn phi tập trung, không tổ chức nào có thể kiểm soát hay chi phối, thao túng nó.

Ở thập niên 90, rất nhiều tiền điện tử được tạo ra với các hệ thống như Flooz, Beenz và DigiCash mới nổi nhưng đã thất bại. Có nhiều lý do cho sự thất bại, như gian lận, thị trường tài chính sụp đổ và thậm chí xung đột giữa các nhân viên, sếp và chủ sở hữu, do các nhân sự trong lĩnh vực đều có trình độ cao và sự khó khăn của thị trường khắc nghiệt lúc bấy giờ. Cho đến gần năm 2009, một người lập trình ẩn danh hoặc một nhóm ẩn danh với tên Statoshi đã tung ra Bitcoin, mang một sắc thái hoàn toàn mới và vượt trội so với tiền điện tử cũ bằng cơ chế ngang hàng “peer-to-peer” (Mạng ngang hàng, còn gọi là mạng đồng đẳng, là một mạng máy tính trong đó hoạt động của mạng chủ yếu dựa vào khả năng tính toán và băng thông của các máy tham gia chứ không tập trung vào một số nhỏ các máy chủ trung tâm như các mạng thông thường). Nó hoàn toàn phi tập trung, và không tổ chức nào có thể kiểm soát hay chi phối thao túng nó.

Hiện tại, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao lần lượt xuất hiện và trở thành loại tài sản, hàng hóa tham gia lưu thông, trở thành công cụ đầu tư hoặc phương tiện thanh toán, trong đó có các loại tiền ảo như: Bitcoin, ethereum, litecoin, monero, ripple…

Thống kê cho thấy, năm 2017 lượng tìm kiếm từ khóa Bitcoin từ Việt Nam xếp hạng 41 trong danh sách 63 thị trường quan tâm nhiều đến đồng tiền kỹ thuật số này. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu CryptoCompare, tính đến cuối tháng 11/2017, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần 80% tổng số hoạt động giao dịch Bitcoin toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm khoảng 20%.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho phép người Việt thanh toán bằng Bitcoin đối với dịch vụ của họ, như nạp thẻ điện thoại BitRefill, mua vé máy bay, đặt khách sạn và thuê ô tô tại Expedia, mua hàng trực tuyến tại OverStock, OpenBazaar hoặc tại các Dark Net Market, mua quần áo thời trang tại ASOS…

Theo Luật mẫu tại Mỹ, tiền ảo là đại diện kỹ thuật số có giá trị được sử dụng như một phương tiện trao đổi, và không phải là tiền pháp định, có hoặc không có giá trị như tiền pháp định; nó cũng không bao gồm giao dịch, trong đó người bán cấp giá trị như một phần của mối quan hệ hoặc phần thưởng chương trình, mà giá trị không thể được lấy từ hoặc trao đổi với các loại tiền hợp pháp, tín dụng ngân hàng hoặc tiền ảo khác.

Tại Việt Nam, tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và không có giá trị trong thanh toán, ngoài những người tham gia giao dịch tiền ảo. Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Bên cạnh đó, quan hệ giữa bên mua và bên bán tiền ảo được bảo mật, không được pháp luật bảo hộ và tính rủi ro rất lớn. Mã số bảo mật này có thể bị tấn công, có thể bị lộ, bị chiếm đoạt bởi những người giỏi về sử dụng máy tính.

Mặc dù có những cách hiểu khác nhau ở các quốc gia nhưng về bản chất thì bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan. Việc tạo ra tiền ảo cũng không dựa trên bất kỳ sự bảo đảm về giá trị nào và cũng không dựa vào bất kỳ tín hiệu nào của thị trường tiền tệ. Điều này khác hoàn toàn so với đồng tiền truyền thống.

“Một bàn tay không thể tự vỗ thành tiếng”

Tiền ảo dường như là một hệ thống khá phức tạp, ngay cả với những người đang đứng ra kinh doanh chúng. Các hoạt động kinh doanh đầu tư tiền ảo với việc tham gia và hình thành các sàn giao dịch đang diễn ra không ngừng không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Trong đó đáng lo ngại là hoạt động ICO (hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo) chưa được kiểm soát. Các hình thức ICO lừa đảo biến tướng mang tính chất đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Cùng với đó các tranh chấp liên quan đến tiền ảo cũng ngày càng gia tăng.

Đã có rất nhiều nhà đầu tư tiền ảo mất trắng tiền của họ chỉ sau một đêm, không phải vì giá trị tiền quay đầu, mà vì các hình thức lừa đảo. Theo thống kê, tổng giá trị các vụ lừa đảo trên thị trường tiền ảo Mỹ trong năm 2018 lên tới 1,7 tỉ USD. Đáng chú ý, con số này cao hơn 2,6 lần so với năm 2017 – thời điểm giá trị của bitcoin đạt đỉnh, chạm mốc 20.000 USD/coin.

Chẳng hạn như iCenter (không thuộc Apple) – một ứng dụng lừa đảo dạng bot (robot mạng) do một nhóm doanh nghiệp ẩn danh lập ra, với mục đích kêu gọi đầu tư bằng 2 đồng tiền ảo có thật là Bitcoin và Litecoin. Doanh nghiệp này không công bố chi tiết mục đích gọi vốn, nhưng bằng cách nào đó vẫn đảm bảo nhà đầu tư nhận được 1,2% lợi nhuận mỗi ngày. Con bot được chạy trên nền tảng Telegram, trong đó chúng sẽ liên tục dẫn dụ người mới bằng những tin nhắn hết sức hấp dẫn. Khi có người quyết định đầu tư, ứng dụng sẽ tự động dẫn họ đến địa chỉ của một ví điện tử cá nhân để gửi (deposit) tiền ảo vào.

Xuất hiện từ năm 2019, PayAsian được giới thiệu là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới chấp nhận tất cả các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán… Công ty thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quảng cáo, lôi kéo người tham gia đầu tư. Chúng sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau sáu tháng sẽ tăng lên gấp mười, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp. Cụ thể: Muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp ít nhất số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia nộp tiền sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA…).

leftcenterrightdel
Muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp ít nhất số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Ảnh: GooglePlay. 

Một trường hợp khác, vào tháng 4/2018, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi). Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.

Mới đây nhất là hình thức lừa đảo của “CLB Hành trình triệu đô”. Nhà đầu tư sẽ lập một tài khoản trên trang web https://cryptostake.org do “CLB Hành trình triệu đô” lập ra. Sau đó, mua đồng USDT (một loại tiền điện tử) trên các sàn tiền ảo để chuyển sang đồng ADA. Tuy nhiên, một tháng nay, trang web của CLB này đã không thể truy cập và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền đầu tư, nhiều nhà đầu tư như đang “ngồi trên lửa”, cũng không dám chia sẻ với ai.

leftcenterrightdel
Cryptostake.org thông báo “bảo trì 15 ngày” sau khi báo chí phản ánh về hiện tượng lừa đảo tiền ảo tại website này. (Ảnh: Minh Hạ) 

Theo Công ty phân tích dữ liệu blockchain Chainalysis, tội phạm tiền điện tử/tiền ảo ngày càng gia tăng. Các mô hình Ponzi (một kiểu vay tiền của người này để trả nợ người khác) cùng các hình thức gian lận khác liên quan đến Bitcoin và tiền điện tử đã “hô biến” ít nhất 4,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong năm 2019. Con số này lớn hơn nhiều so với mức 3 tỷ USD trong cả hai năm 2017 và 2018 gộp lại.

Một mối quan tâm lớn khác của tiền ảo là sự gia tăng liên quan đến hệ thống phi tập trung và hoàn toàn ẩn danh. Các chính phủ lo lắng đến các đối tượng sẽ sử dụng nó để rửa tiền và trốn thuế. Hiện nay, trên các diễn đàn mạng có thể thấy nhiều tin đăng tải, quảng bá giới thiệu tiền ảo với lãi suất cao, lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Dùng tiền ảo để làm một loại hàng hóa ảo thu tiền thật, mỗi gói đầu tư đồng tiền ảo trị giá lên tới hàng ngàn USD. Cách chơi này cùng bản chất với quan hệ tín dụng đen, đánh vào tâm lý hám lợi của người tham gia mua tiền ảo. Nếu không cẩn thận, mỗi người sẽ trở thành một trong những con mồi bị sập bẫy, toàn bộ tài sản đầu tư mất trắng sau một đêm.

Một thực tế nhìn thấy rõ, nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó vẫn chưa thật sự đầy đủ. Theo giáo sư Nir Kshetri từ ĐH Bắc Carolina (Hoa Kỳ) – người đã có nhiều năm nghiên cứu về blockchain, tiền ảo và tội phạm công nghệ – thì việc lừa đảo tiền ảo thực chất rất đa dạng, không chỉ bằng hình thức mới mà còn qua những cách hết sức “kinh điển” trong giới kinh doanh. Theo Kshetri, một trong những cách lừa đảo phổ biến nhất là đánh vào lòng tham của con người. Họ vẽ ra một viễn cảnh đầu tư đem lại lợi nhuận rất lớn, càng đầu tư nhiều thì lãi thu được càng cao. “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, nếu không nhờ sự tin tưởng quá mức của người tham gia, thì các hoạt động liên quan đến mua bán, đầu tư tiền ảo sẽ không có cơ hội “bành trướng” và gây tác động xấu đến xã hội. Theo Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng.

Tiền ảo là sản phẩm của công nghệ cao, giao dịch trên internet có tính xuyên biên giới, nên nhiều vụ dù xảy ra trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình tại Việt Nam, và ngược lại. Dù được đánh giá là một phần của công nghệ trong tương lai, và các nhà đầu tư vẫn có thể trông đợi lợi nhuận vào các đồng tiền mới, nhưng mỗi người trước khi tham gia đầu tư vào hệ thống tiền ảo cần phải tìm hiểu cặn kẽ để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền oan.

Theo Minh Hạ/Kinh doanh và Phát triển
Nguồn
Link bài gốc

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/tien-ao-da-cap-khi-loi-nhuan-ao-lam-xao-tron-cuoc-song-that.html