Tại tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2023 (dự kiến tổ chức vào 27/6), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cho biết, doanh nghiệp đã có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán.
leftcenterrightdel
 Tham gia dự thầu dự án sân bay Long Thành - “sức khỏe” tài chính của Hòa Bình ra sao? Ảnh: Kỳ Phương/Thời báo tài chính Việt Nam

Số liệu sau kiểm toán có biến động mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần HBC 14.149 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với trước kiểm toán và tăng 25% so với năm 2021. Tuy nhiên, lỗ ròng tăng gấp 2,27 lần lên 2.594 tỷ đồng so với mức 1.138 tỷ đồng ở báo cáo tự lập.

Tổng tài sản giảm 1.353 tỷ đồng so với trước kiểm toán về mức 15.573 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu cũng giảm 1.447 tỷ đồng xuống còn 1.196 tỷ đồng, tương ứng giảm 70,5% so với năm 2021.

Trước đó, vì chậm nộp báo cáo tài chính 2022 kiểm toán quá 45 ngày, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã chuyển cổ phiếu HBC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch. HBC chỉ được giao dịch phiên chiều từ ngày 23/5.

Như các số liệu được công bố cho thấy, năm 2022, Tập đoàn Hòa Bình lỗ ròng 2.594 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn khi thị trường bất động sản khó khăn trong thanh khoản. Một doanh nghiệp xây dựng lớn khác là Coteccons cũng phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi từ các khách hàng hơn nghìn tỷ cuối năm 2022 và đây cũng là nguyên nhân khiến công ty này lỗ nhiều quý năm 2022.

Bước sang năm 2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với những thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh qua gần 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, bức tranh tài chính của HBC cũng không có nhiều dấu hiệu khả quan.

Vào tháng 3/2023, thông tin nhóm thầu phụ tại một số dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu như L7 Vin Gia Lâm, CT7, CT5 Ecopark,... đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay) đã phủ sóng nhiều mặt báo. Các công ty thầu phụ đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.

Về việc này, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, giải thích do thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng đang gặp khó nên ảnh hưởng đến tổng thầu. Ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ. Ngoài ra, công ty có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, nếu nhà thầu nào nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.

Trước tình hình kinh doanh khó khăn, để bổ sung nguồn vốn, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng MATEC công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Hòa Bình cho nhà đầu tư Ashita Group.

Trước đó, ngày 20/5/2023, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.

Ngoài bán công ty con, để bổ sung nguồn vốn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dự kiến trình tại đại hội phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu, giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng.

Công ty cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác như nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất) thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao

Khó khăn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không chỉ xuất phát nguyên nhân bên ngoài mà nội tại doanh nghiệp cũng xảy ra cuộc ‘nội chiến’ giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch kéo dài từ tháng 12/2022 đến cuối tháng 2/2023 mới khép lại.

Cùng với đó, thời gian qua, nhiều vị trí nhân sự cấp cao tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng biến động.

Vào ngày 19/5, Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố loạt nghị quyết về thay đổi nhân sự cấp cao.

Cụ thể, HĐQT đã bổ nhiệm ông Lê Văn Nam (sinh năm 1976) giữ chức Tổng Giám đốc tập đoàn kể từ ngày 1/6. Vị trí này đã để trống sau khi ông Lê Viết Hiếu, con trai của Chủ tịch Lê Viết Hải thôi giữ chức kể từ ngày 23/7/2022.

Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Hoàng (sinh năm 1982) sẽ giữ chức Phó Tổng Giám đốc HBC, thay thế cho ông Trương Quang Nhật đã có đơn từ nhiệm trước đó. Trước ông Nhật, hai Phó Tổng Giám đốc là Lê Quốc Duy và ông Dương Đình Thanh cũng đã xin rút lui theo nguyện vọng cá nhân.

Bên cạnh đó, HĐQT cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 của David Martin Ruiz kể từ ngày 18/5.

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải với danh nghĩa cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu 17.14% đề cử ông Mai Hữu Thung và ông Lê Văn Nam vào Hội đồng quản trị HBC nhiệm kỳ 2022-2024. Ông Thung hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân đồng thời là thành viên ban Kiểm soát CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (UPCoM: TV1). Ông hiện đang sở hữu 205 nghìn cổ phiếu TV1 (0,77%).
leftcenterrightdel
 Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV

Được biết, ngày 12/6 vừa qua, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức đóng/mở thầu lần 2 Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” của Dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I). Một trong liên danh nhà thầu tham gia gói thầu số 5.10 có sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình).

Như vậy là Hoà Bình đã chính thức tham gia cuộc đua chọn nhà thầu của dự án có quy mô tầm vóc với mục tiêu tạo ra vùng động lực phát triển cho cả nước đúng vào thời điểm “sức khỏe” tài chính không được tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khó khăn, nhân sự lãnh đạo cũng biến động.

Được biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu và tiếp thu tối đa các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ACV trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu 5.10 bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Bùi Thơm (T/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-gia-du-thau-du-an-san-bay-long-thanh-suc-khoe-tai-chinh-cua-hoa-binh-ra-sao-a580426.html