Trong 9 tháng đầu năm, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của chính các ngân hàng. Ngành ngân hàng được cho là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trễ pha hơn nhiều ngành nghề khác.
Theo dự đoán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như nhiều chuyên gia, nợ xấu của ngân hàng có chiều hướng gia tăng nhất là vào các quí cuối năm. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu thời hạn trả nợ, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn tiếp tục có dấu hiệu suy yếu.
Điều này được thể hiện qua con số nợ xấu nội bảng của 17 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quí III/2020 mới đây.
Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh
"Ông lớn" Vietcombank, một trong những ngân hàng có số dư nợ cho vay khách hàng lớn nhất hệ thống đã ghi nhận con số nợ xấu tăng từ 5.804 tỉ đồng cuối năm trước lên 7.885 tỉ đồng, tăng 36%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 4 lần với 2.923 tỉ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng hơn 2,7 lần với 1.599 tỉ đồng. Mặc dù nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 25,8% nhưng tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn tăng từ 0,79% lên 1,01%.
Đây cũng là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) công bố báo cáo tài chính quí III cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nửa đầu năm, nợ xấu của Agribank đã tăng mạnh gần 40% so với đầu năm. Nợ xấu của VietinBank tăng 47,7% và của BIDV tăng 17%.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến cuối tháng 9, ở mức 10.147 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cuối năm trước. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 3,42% lên 3,65%.
Hay tại ACB, nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh từ 1.449 tỉ đồng lên 2.480 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 71%. Tỉ lệ nợ xấu qua đó tăng từ 0,54% lên 0,83%.
Trong cơ cấu cho vay khách hàng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất từ hơn 235 tỉ đồng lên gần 831 tỉ đồng, tăng 253%. Nợ nhóm 4 tăng 74,8% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 tăng 22,4%.
Một điểm nữa đáng nói, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ACB thời điểm cuối tháng 9/2020 đã giảm về 117%, trong khi đó vào thời điểm cuối năm 2018 và năm 2019 tỉ lệ này lần lượt là 152% và 175%.
Tính đến 30/9, TPBank có 1.971 tỉ đồng nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,29% lên 1,79% mặc dù vẫn ở dưới mức 2%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của TPBank giảm nhẹ xuống 92,2%.
Tại Sacombank, nợ xấu tính đến thời điểm 30/9 đạt 6.939 tỉ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm trước. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,93% lên 2,13%.
Hay tại MB, nợ xấu tăng 39% lên 4.034 tỉ đồng đưa tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,5%. Nợ xấu VietBank tăng 61% lên 868 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,32% lên 2,03%.
Ngoài ra, Kienlongbank là trường hợp khá đặc biệt khi là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng cao kỉ lục và dẫn đầu về mức tăng nợ xấu. Số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng vọt lên 2.240 tỉ đồng, gấp 5,5 lần cuối năm trước với phần lớn là nợ nhóm 5 với 2.134 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,63%.
Tuy nhiên, yếu tố đột biến này không phải do hoạt động của Kienlongbank ở thời điểm hiện tại gặp vấn đề mà là do ngân hàng đã hạch toán gần 1.900 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank (STB) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.
Trong văn bản giải trình, ngân hàng cho biết những ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời. Sau khi xử lí xong tài sản bảo đảm đối với các khoản vay trên (dự kiến trong quí IV/2020), căn cứ nguồn tiền thu được, ngân hàng sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng góp phần tăng thu nhập trong năm 2020.
|
|
Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC các ngân hàng. |
Những điểm sáng trong xử lí nợ
Ở chiều ngược lại, trong số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính có ba tổ chức có số dư nợ xấu giảm gồm Techcombank, SeABank và NCB.
Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp Techcombank, nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh 55% xuống mức 1.384 tỉ đồng kéo tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,33% xuống 0,6%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm hơn 83% chỉ còn hơn 425 tỉ đồng.
Tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quí III là 148%, tăng mạnh so với mức 94,7% cuối năm 2019 và 85% cuối năm 2018.
Nợ xấu của NCB giảm nhẹ 1,3% còn 720 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,95% về 1,8%. Nợ xấu của SeABank giảm nhẹ 4,2% xuống 2.184 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% về 2,23%.
Trước đó, tại Diễn đàn "Tái cơ cấu, xử lí nợ xấu", TS. Cấn Văn Lực nhận định rằng dịch bệnh COVID-19 khiến chất lượng tài sản sẽ xấu đi. "Nợ xấu sẽ tăng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi xử lí nợ xấu khó khăn hơn", vị chuyên gia dự báo.
Ông Lực cho rằng tác động của dịch bệnh đến hệ thống ngân hàng có độ trễ hơn so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp, khách hàng, người dân sẽ chịu khó khăn ngay khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau đó. Vì vậy, cuối năm sẽ là thời điểm ngành ngân hàng ngấm đòn tác động của COVID-19.