Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với hầu hết các chỉ tiêu không mấy khả quan. Cụ thể, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1% về mức 7.884 tỷ đồng. Hoạt động khác cũng suy giảm 5% lãi thuần về 521 tỷ đồng.
Đặc biệt, VPBank tiếp tục lỗ gần 127 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối và vàng (cùng kỳ lỗ 81 tỷ). Đây là quý thứ 5 liên tiếp VPBank thua lỗ từ hoạt động ngoại hối và vàng.
Tính từ năm 2005 đến 9 tháng 2020, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng của VPBank rất hiếm khi có lãi, hoạ chăng chỉ năm 2007, 2009, 2011 là có lãi mỗi năm mười mấy tỷ, còn lại liên tục thua lỗ, thậm chí năm 2016 lỗ hơn 300 tỷ từ hoạt động này.
Hay mua bán chứng khoán kinh doanh cũng lỗ gần 5 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi tới 145 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ dịch vụ lại tăng khá 33% lên 941 tỷ và chứng khoán đầu tư tăng 27% lên 255 tỷ.
Dù vậy, VPBank vẫn lãi thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 6.685 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 10% khi chiếm 3.872 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của VPBank lại suy giảm 1% về mức 2.252 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, mặc dù tiếp tục báo lỗ từ ngoại hối và vàng gần 220 tỷ, nhưng các chỉ tiêu khác của VPBank lại tăng và dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 3% lên 10.303 tỷ nhưng nhà băng này vẫn báo lãi ròng 7.516 tỷ đồng, tăng 31% so cùng kỳ.
Như vậy so với kế hoạch 10,214 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2020, VPBank đã thực hiện được 92% sau 9 tháng.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của VPbank tăng 10% so với đầu năm, lên hơn 413.892 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8% khi đạt 278.025 tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận gần 241.658 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của VPBanktăng 15% so với đầu năm, ghi nhận hơn 10,147 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15%, nợ nghi ngờ tăng 36%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3.42% đầu năm lên 3.65%.