Tính đến ngày 30/9/2022, có ít nhất 15 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 15 doanh nghiệp nắm giữ lớn nhất sàn lên đến 351.000 tỷ đồng, tương đương 14,3 tỷ USD, tăng hơn 28.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
|
|
Không ít doanh nghiệp vẫn duy trì lượng tiền mặt "khủng" để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh,... Ảnh minh họa |
Không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán là những cái tên quen thuộc như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT,...
Hòa Phát (MCK: HPG) đang là “đại gia" nhiều tiền nhất sàn chứng khoán với số dư tiền và tiền gửi ngân hàng tính đến ngày 30/9 lên 38.911 tỷ đồng, dù đã giảm gần 1.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Số dư tiền mặt của doanh nghiệp đầu ngành thép chiếm tới hơn 21% tổng tài sản.
Có nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán nhưng Hòa Phát lại đang đối mặt với một quý kinh doanh kém tích cực.
Ngay tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo về tình hình “thê thảm” của doanh nghiệp.
Không ngoài "cảnh báo nói trên", trong quý III/2022, theo báo cáo tài chính vừa công bố, Hoà Phát đạt doanh thu hơn 34.440 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó.
Theo lý giải của Hoà Phát, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả trong kỳ do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường; tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến công ty.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Phát đạt gần 116.600 tỷ đồng, trong đó, thép đóng góp 90% và lợi nhuận ở mức hơn 10.440 tỷ đồng. Với kết quả này, HPG mới chỉ hoàn thành 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas; MCK: GAS, sàn HoSE) vươn lên trở thành doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt thứ 2 trên sàn chứng khoán với 36.000 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng gia tăng mạnh lượng tiền nắm giữ trong 9 tháng đầu năm như: ACV (33.341 tỷ), Vingroup (hơn 28.600 tỷ đồng), BSR (26.524 tỷ),.. gia tăng mạnh lượng tiền nắm giữ trong 9 tháng đầu năm.
Ở chiều ngược lại, một số "ông lớn" trong ngành bán lẻ lại đang giảm lượng tiền mặt nắm giữ so với đầu năm khoảng 1.000 tỷ đồng đến hơn 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên, số dư tiền và tiền gửi ngân hàng vẫn rất lớn như FPT (giảm 2.000 tỷ đồng), Thế giới di động (giảm 2.500 tỷ đồng), PV OIL (giảm 1.500 tỷ đồng)..
Tại thời điểm 30/9, Tập đoàn Masan (MSN) không còn nằm trong top doanh nghiệp nắm giữ trên 10.000 tỷ đồng. Lượng tiền cuối quý 3 của MSN đã giảm mạnh gần 15.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt hơn 6.500 tỷ đồng, trong khi con số này ở đầu năm là hơn 22.60 tỷ đồng.
Với khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi trong 9 tháng đầu năm.
Khoản tiền gửi 36.000 tỷ đồng mang về cho GAS hơn 888 tỷ đồng tiền lãi trong 3 quý đầu năm. Trong khi đó, lãi tiền gửi của FPT thu về khoảng 1.044 tỷ đồng dù lượng tiền gửi của FPT nắm giữ chỉ ở mức 24.126 tỷ. Lũy kế hết quý III/2022, lãi tiền gửi của ACV mang về 1.188 tỷ đồng doanh thu.
Số tiền này phần nào bù đắp các khoản chi phí lãi vay lớn từ những khoản nợ vay mà các doanh nghiệp phải gánh vác.