Hệ sinh thái tỷ đô dưới thời Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ

Tháng 9/2023, Công ty Cổ phần Tasco (Tasco, mã chứng khoán: HUT) đã thông báo thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành, tăng thêm 543,8 triệu đơn vị. Vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng tăng lên gần 9.000 tỷ đồng.

Đây là số cổ phiếu tăng thêm từ đợt phát hành của Tasco nhằm hoán 100% cổ phần với các cổ đông của CTCP SVC Holdings – doanh nghiệp sở hữu 54,07% bốn điều lệ của Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) - một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam với hơn 11,9% thị phần xe ô tô mới với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..

“Trở thành một thành viên của hệ thống Tasco sẽ tạo ra những giá trị khác biệt cho SVC Holdings, giúp phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, giao thông thông minh”, báo cáo thường niên năm 2022 của Tasco nêu.

Việc hoán đổi toàn bộ cổ phần để trở thành chủ sở hữu 100% vốn của SVC Holdings là bước đi chiến lược trong việc xây dựng Tasco trở thành doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng giao thông thông minh, dịch vụ ô tô, phát huy lợi thế chuỗi giá trị thông qua tập khách hàng thu phí tự động không dừng VETC.

Tasco dưới thời của Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ đã xây dựng thành công một hệ sinh thái đa dạng, khép kín gồm cơ sơ hạ tầng giao thông – dịch vụ ô tô (SVC Holdings, Tasco BOT, VETC), Tài chính – bảo hiểm – bất động sản (Bảo hiểm Tasco, Tasco Land, CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay).

Trong đó, với lĩnh vực cốt lõi là hạ tầng giao thông, Tasco sở hữu VETC - đơn vị vận hành dịch vụ thu phí điện tử không dừng ETC tại Việt Nam hiện, cung cấp 80% dịch vụ thu phí ETC giao thông không dừng, kết nối 112 trạm thu phí, 635 làn cao tốc trên toàn quốc với những ngày cao điểm xử lý 1,7 triệu giao dịch thu phí xe qua trạm mỗi ngày.

Ngoài ra, Tasco cũng đang vận hành, sở hữu 6 dự án BOT lớn tại các tuyến huyết mạch Quốc Lộ 10 Hải Phòng, Mỹ Lộc Nam Định, Quảng Bình, Đông Hưng và Quốc Lộ 39 Thái Bình.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, Tasco đã thành lập Tasco Land vào tháng 3/2022. Tasco Land sẽ tập trung triển khai các dự án ở Hà Nội và các dự án trong quĩ đất hiện hữu, kết hợp với SVC Holdings, Savico nghiên cứu triển khai, khai thác hiệu quả các bất động sản và dự án bất động sản hiện có của Savico.

Tasco Land cũng đầu tư vào Công ty CP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay – doanh nghiệp sở hữu khu resort Six Senses Ninh Van Bay, khu Biệt thự Pháp cổ Ana Mandara Đà Lạt tại khu vực trung tâm Đà Lạt.

Sau sáp nhập SVC Holdings, Tasco trở thành doanh nghiệp quy mô lớn trên sàn chứng khoán với vốn hóa vượt 1 tỷ USD, vượt qua nhiều tên tuổi lớn trên thị trường như REE, FPT Telecom, Viglacera…
leftcenterrightdel
 Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tasco báo lãi sau thuế 29,3 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận thụt lùi, nguy cơ không hoàn thành kế hoạch năm

Đà tăng vốn của Tasco diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp đang đi lùi. Theo báo cáo tài chính quý III/2023, trong quý, Tasco doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ, lên mức 2.556 tỷ đồng. Các khoản chi phí trong kỳ cùng tăng vọt, trong đó chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 54% và 46%, lên mức 118,1 tỷ đồng và 95,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Tasco tăng tới 1.735%, lên mức 91,4 tỷ đồng.

Trừ đi các chi phí, Tasco báo lãi sau thuế quý III/2023 đạt 12,1 tỷ đồng; tăng 28% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ giảm chi phí thuế TNDN. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 7,4 tỷ đồng, giảm hơn 25%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tasco báo lãi sau thuế 29,3 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm đến 78,5% so với cùng kỳ 2022, xuống mức 24,1 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng Tasco mới thực hiện vỏn vẹn 4% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Với việc đẩy mạnh các thương vụ M&A, tính đến ngày 30/9/2023, quy mô tổng tài sản của Tasco ở mức hơn 25.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 13.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Cơ cấu tài sản cũng ghi nhận sự tăng vọt từ các khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn, hàng tồn kho,...

Trong đó, hàng tồn kho của Tasco tăng gấp 30 lần, lên mức 2.948 tỷ đồng chủ yếu là giá trị xe ô tô và xe máy. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn cũng tăng gấp 3 lần, lên mức 2.548 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, cơ cấu tài sản dở dang dài hạn chủ yếu phát sinh tại các dự án bất động sản như Dự án Long Hoà - Cần Giờ (715 tỷ đồng), Dự án Mercure Sơn Trà - Đà Nẵng (496 tỷ đồng)…

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tasco ở mức 13.867 tỷ đồng; tăng 80% so với đầu năm. Nợ vay tài chính ở mức 8.300 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu ở mức 11.222 tỷ đồng.
Hiếu Nguyễn

Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/he-sinh-thai-tasco-duoi-thoi-chu-tich-vu-dinh-do-loi-nhuan-lao-doc-nguy-co-vo-ke-hoach-nam-a604354.html