Hạ tầng Giao thông Đèo cả vay nợ công ty mẹ 300 tỷ đồng
Cập nhật lúc 07:12, Thứ tư, 15/03/2023 (GMT+7)
Đang triển khai hàng chục dự án với số tiền đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, HĐQT Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã quyết định vay tiền công ty mẹ để phục vụ SXKD.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) vừa công bố nghị quyết thông qua phương án vay vốn phục vụ phương án sản xuất, kinh doanh và đầu tư của công ty.
Theo đó, HĐQT của Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã quyết định vay 300 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ) để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của công ty.
Thời hạn vay sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của công ty tại từng thời điểm, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2025. Lãi suất vay sẽ bằng lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam cộng biên độ không quá 3%/năm.
Cùng ngày, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cũng đã thông qua giao dịch góp vốn/đặt cọc góp vốn vào các công ty con.
Cụ thể, HHV sẽ góp 108,676 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Đèo Cả; 22,509 tỷ đồng vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và 22,124 tỷ đồng vào CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT. Thời gian góp vốn dự kiến từ năm 2023-2024.
Việc Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vay nợ từ công ty mẹ là điều dễ hiểu trong bối cảnh công ty đang đầu tư hàng loạt dự án với quy mô lớn.
Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Cam Lâm – Vĩnh Hảo (13.690 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành 2024; dự án Tân Phú – Bảo Lộc (17.200 tỷ) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án Hữu Nghị - Chi Lăng (10.013 tỷ) đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (13.174 tỷ) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 2 dự án dự kiến tham gia là cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (17.200 tỷ); cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (13.174 tỷ)...
Trước bối cảnh nhu cầu về vốn lớn nhưng doanh nghiệp lại không có sẵn nguồn tiền dồi dào thì việc đi vay nợ từ công ty mẹ là lựa chọn tối ưu.
Bởi thời điểm cuối năm 2022, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã từng phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn nhưng chỉ bán được khối lượng khá èo uột là 15,12% trên tổng số cổ phiếu chào bán. Tương đương trong tổng số hơn 267 triệu cổ phiếu chào bán, công ty chỉ bán được khoảng 40 triệu cổ phiếu.
Theo kế hoạch ban đầu , công ty dự thu tới 2.674 tỷ đồng để bổ sung nguồn tiền nhưng lại chỉ thu về vỏn vẹn 404 tỷ đồng. Đây là lần chào bán đầu tiên của Đèo Cả ra công chúng kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2015 nhưng kết quả thu về lại không mấy tích cực.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HHV đạt hơn 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ có hơn 382 tỷ đồng.
Ngoài ra, gần 28.558 tỷ đồng là tài sản cố định hữu hình (chiếm 80% quy mô tài sản) hình thành từ các dự án BOT như hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, tuyến cao tốc Bắc Giang – Thành phố Lạng Sơn.
Dư nợ tài chính cuối kỳ của HHV ở mức 20.653 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu kỳ, chiếm gần 76% tổng nợ và gấp 2,46 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn nợ là các khoản vay dài hạn từ ngân hàng Vietinbank, VietABank, bao gồm 10.169 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; 4.800 tỷ đồng để phục vụ dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, điểm sáng của Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là có mảng thu phí BOT luôn chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu, tăng trưởng mạnh tới 18% trong năm 2022 và mỗi năm đem về cho công ty khoản thu ổn định hàng trăm tỷ đồng để duy trì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.